Gia phả học hiện nay được phát triển chưa từng thấy, từ các báo chí chuyên ngành đến các site trên Internet, đều có những chương trình tìm hiểu về gia phả. Người nào cũng có thể dựng lại cây tộc phả của dòng họ mình. Nhưng từ khi nào đã nảy ra ý nghĩ dựng lại tộc phả theo hình một cái cây cành lá chằng chịt?
Giáo sư Olivier Faron ở Đại học Lumière - Lyon - II đã giới thiệu trên tạp chí L’Histoire số tháng 1/ 2001. Xin được dịch giới thiệu bạn đọc.
Đến cuối thế kỷ XV, việc biểu hiện tộc phả theo hình “cây tộc phả” mà ngày nay được được áp dụng phổ biến tại các dòng họ châu Âu, mới đi vào tập quán. Lúc đầu nó được truyền bá trong giới tu sĩ Thiên chúa giáo và trong các dòng họ vương công, cũng như các tầng lớp thượng lưu. Các chức sắc ở vương quốc Flomnee cũng bắt đầu phả hệ của mình theo hình cây.
Cây tộc phả khắc trên gỗ năm 1493 của dòng họ Heirich Đệ nhất (875 - 936), Hoàng đế nước Đức người sáng lập triều Saxon
Việc xây dựng phả hệ dưới dạng một cái cây là do sự gặp gỡ giữa hai dòng lịch sử đan xen chặt chẽ với nhau: là một cách quan niệm về thế giới và mặt khác là muốn hợp thức hóa một quyền uy chính trị.
Trước hết là cách nhìn thế giới. Quả thật thời cổ đại đã để lại một di sản lớn trong lĩnh vực này. Nhưng tời Trung đại cũng đưa đến một cách biểu đạt bằng ngôn ngữ đồ thị xoay quanh hình ảnh cái cây. Vì cây gắn liền với hình ảnh gia đình: đó là một sinh vật nối liền giữa đất với trời, mà nhựa sống đã nuôi dưỡng những cành sống cũng như những cành chết.
Sự phát minh đồ thị đó chứng tỏ một đầu óc duy lý đang hình thành. Vào cuối thời Trung đại đã có những lời nói bác học bàn về những cái cây được phân loại hay được biểu đạt.
Tiếp đấy là việc hợp thức hóa một quyền uy chính trị. Đối với các tu sĩ, lịch sử là đồng nhất với tộc phả. Vào cuối thế kỷ XII có một sự tổng hợp trật tự tộc hệ và trật tự niên biểu, cụ thể là đối với tầng lớp thư lại, cần phải xây dựng một giáo cụ trực quan có khả năng lần lại những dây liên hệ của các dòng họ đã được mô tả trong Kinh thánh.
Chính ở đây tộc phả đã gặp quyền lực. Nó có thể giúp cho việc giải trình một luận thuyết chính trị, đặc biệt là khẳng định tính thiêng liêng của các vương triều trị vì. Ở đây cần phải thiết lập lại những mắt xích của tộc hệ cho thấy các gia đình vương hầu có mối liên hệ với một dòng họ huyền thoại. Ví như các vị thần đã tham gia chiến tranh thành Troie chẳng hạn, nay hậu duệ của họ là những dòng họ nào.
Vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, hoàng đế Giecmanh, Maximilien đã tự mình can thiệp vào việc thiết lập tộc phả của dòng họ Habsbourg trị vì ở Đức. Cây tộc phả đồ sộ đó đã tham gia dựng nên một hình ảnh thực sự về chính trị.
Sáng kiến của Maximilien đã được lập lại sau này ở các dòng họ khác. Đến cuối thế kỷ XVIII, khi ý thức dân tộc xuất hiện, thì nó lại cần đến nhiều hơn sự hỗ trợ của những tộc phả, vừa là thực, vừa là huyền thoại. Người Hy Lạp là con cháu của Homère, người Rumani là hậu duệ của người Đaxi. Vì các vị thiên tổ là những nhân vật đáng ca ngợi nên nhiều dân tộc ở châu Âu đã tìm đến vai trò lịch sử của một vị tổ hàng đầu nào đó. Điều đó càng củng cố thêm quyền uy của con cháu. Và khi mối dây liên hệ với tổ tiên càng mong manh, thì việc xây dựng một cây tộc phả lại càng phải làm kỹ.
Điều đó được chứng minh cả trong những hiện tượng gần đây. Chỉ cần lần giở trang Internet, ta có thể phát hiện được những cây tộc phả của những dòng họ không có vai trò lịch sử gì lớn. Sự gặp gỡ của đồ thị và của sự diễn giải ở đây lại càng rõ rệt. Ý muốn phổ biến rộng rãi sự tiếp nối của những tên tuổi và những nhân vật phần lớn không được ai biết đến, cho ta thấy rõ ý tưởng muốn dùng tộc phả để khẳng định quyền uy: đấy là quyền uy của một cá nhân trong dòng họ của mình, và nhất là quyền uy của một dòng họ trong cộng đồng!
ĐH dịch (Theo Xưa & Nay, số 95, tháng 7/2001)