Trong thực tế, người M’nông đã có họ và nhiều họ khác nhau như: R’Chil, Pang Ting, Buôn K’rông, Rlăk (nhánh M’nông Gar); họ Plook, R’lawk, Rang (nhánh M’nông R’lăm); họ Liêng, Liêng hot, K’liêng, Ong (nhánh M’nông Chil)… được lưu truyền trong gia phả dòng họ với hình thức truyền khẩu.
Đồng bào gọi gia phả dòng họ là Boi Jau, nghĩa là tìm, kể chuyện dòng họ, được diễn đạt theo lối kể văn vần mộc mạc, không có sự hư cấu, trừu tượng, ví von; thường đề cập đến địa danh, con vật, về một sự tích, được sắp xếp trình tự về các thế hệ con cháu nối tiếp nhau, đây là một dòng văn hoá độc đáo tồn tại lâu đời song tồn với văn hoá lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc M’nông. Trước hết, có thể tìm thấy văn hoá dòng họ M’nông được thể hiện qua sử thi M’nông, như là dòng văn hoá "Bách khoa toàn thư". Mọi sự việc diễn ra ở xã hội M’nông cổ đều được phản ánh trong sử thi, mà Boi Jau đã được thể hiện trong sử thi "Kể dòng con cháu mẹ chép" (N’kroch r’noi dech kon sau me chep).
Dân tộc M’nông có tập quán thuộc mẫu hệ, nên con sinh ra lấy tên mẹ; sử thi trên có ghi lại người mẹ tên là Puh, nên con của bà có họ như sau:
N’duh kon Puh, Yang Kon Puh, Ting Kon Puh… Qua gia phả dòng họ (Boi Jau) của M’nông thường thể hiện dưới các dạng sau:
Thường gắn với địa danh và tên người đầu tiên cai quản địa danh đó, như đoạn văn sau:
Cây gle của ông Sơ
Cây gle Pan, ông Sơ trồng
Cây r’hách dăm pang de, ông Sơ trồng
Đất ở thung lũng do bà Pang canh giữ
Ông Sơ lấy bà Pang sinh ra ông Tông
Ông Tông lấy bà Bung sinh ra bà Khuăn
Núi N’Jang ông Dong canh giữ
Bà Khuăn lấy ông Dong sinh ra ông Tõh
(Tài liệu của nghệ nhân Điểu Câu)
Ở đây, địa danh đầu tiên là N’jang, người đầu tiên là ông Sơ và bà Pang được xem là ông tổ của một dòng họ và tên người đầu tiên ở địa danh ấy được lấy làm họ cho một dòng họ mãi mãi về sau.
Sau đoạn mở đầu nói về địa danh và người đầu tiên, đoạn văn tiếp theo kể về các đời con cháu sau, thì Boi Jau, kể tình tự ai lấy ai, con cái là ai, cứ nối tiếp như vậy, mang tính liệt kê đầy đủ, như đoạn văn sau:
Ông Lu lấy bà Lum sinh ra Teh, Khuăn, Pla, Lơp
Ông Lơp lấy bà Lăng sinh ra Bo, B’rông, Jang
Ông Jang lấy bà Ngoel sinh ra Gle, Glot, Lot, Boan
(Tài liệu dẫn trên)
Đôi khi điều cấm kỵ trong thực phẩm, thức ăn, thức uống cũng lấy để làm họ, gắn với họ tên, như câu chuyện về họ K’Pơr nguồn gốc là loại lá rừng; xưa ở một bon nọ có người phụ nữ hái được lá K’Pơr về làm thức ăn cho gia đình, người hàng xóm nghe nói loại lá này quý hiếm, người ăn khỏe mạnh nên đến nài nỉ người phụ nữ chia lại cho, để họ cùng nấu ăn, bà không cho, nhưng sau đó cả nhà người phụ nữ này vì đã ăn lá K’pơr đều bị chết; từ đó người M’nông kiêng kỵ ăn lá K’pơr, và lấy tên K’pơr làm họ cho dòng họ của mình.
Và hầu như nhiều Boi Jau thể hiện dòng họ M’nông đều có điểm chung và nhiều nhất là gắn với tên địa danh như: Bon Ding, Bu P’râng, Bu P’răk, tên họ gắn với con vật như: Pê (con dê) D’rốc (con bò), K’lăn (con trăn). Tên họ gắn với sinh vật như: K’pơr (lá cây) Dâng Ja reh (bãi cỏ tranh), Phai Mur (lúa gạo).
Do điều kiện lịch sử phát triển, xã hội M’nông ngày nay không còn khép kín theo bon, buôn với đôi chục nóc nhà, ở theo họ tộc như xưa mà bon làng của dân tộc M’nông đã có sự đổi thay, từ khép kín đã được mở rộng, hội nhập. Từ chỗ một dòng họ, ngày nay đã nhiều dòng họ; từ chỗ có một dân tộc M’nông giờ đã có nhiều dân tộc và đã được sống xen cư, đa cư, đa dân tộc. Có những bon, buôn có đến 7 dân tộc như: dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mường, M’nông, Mông,… và trong quan hệ hôn nhân Nam, Nữ thuộc dân tộc này trở thành vợ hoặc chồng với dân tộc kia, như người cha là dân tộc M’nông, mẹ là người dân tộc Kinh, con sinh ra đều mang theo họ cha, như cha là Điểu Xuân Ân thì tên con là Điểu Xuân Bình, Điểu Xuân Thuận (giới Nam). Trường hợp mẹ là người M’nông, cha là người Kinh thì con lấy theo họ cha; trường hợp cha là người dân tộc Thái (phía Bắc), mẹ là người M’nông thì con không mang họ của cha và mẹ, mà con chỉ lấy tên đệm, như ông Lò Văn Năm và bà H’Mai, con trai là Y’oanh; tình hình hôn nhân ấy làm cho dòng họ M’nông cần có sự ghi chép, quản lý chặt chẽ hơn.
Văn hoá các Boi Jau không chỉ là một dòng văn hoá được truyền khẩu qua nhiều thế hệ, để khẳng định người M’nông cũng như nhiều tộc người khác đã sinh ra là có họ, gia phả dòng họ không chỉ là sự lưu truyền về cội nguồn, họ tộc mà còn là thể loại sinh hoạt trong đời sống tinh thần của cộng đồng người M’nông, mang tính hát kể, một hình thức văn nghệ dân gian; mỗi khi được hát kể, như hát kể sử thi (Ot N’rông) trong những dịp lễ hội, trong gia đình họ tộc để cho con cháu biết, nhớ về cội nguồn, tổ tiên.
Họ tộc M’nông rất phong phú, mỗi nhánh M’nông đều có nhiều họ, có nhánh M’nông có đến hàng chục họ khác nhau. Nhưng trong thực tế, đa số người M’nông trong các loại giấy tờ như khai sinh, căn cước, bằng cấp… không ghi họ mà chỉ ghi tên riêng, và trước tên riêng có kèm theo tên đệm để xác định giới tính như Điểu, Y, K đối với giới Nam; H’, Thị đối với giới Nữ. Do đó, đã dẫn đến không ít người cho rằng, người M’nông không có tên họ, mà thực chất là thiếu sự ghi chép, thất truyền nghiêm trọng trong dòng văn hoá dòng họ (Boi Jau) của dân tộc M’nông và chắc chắn sự thất truyền về dòng họ đã dẫn đến nhiều nhầm lẫn đáng tiếc khác, nhất là sự kết hôn cùng một huyết thống.
Không phải người M’nông không có ý thức sâu sắc về dòng họ, gia phả dòng họ mà do sự biến đổi, phát triển trong xã hội M’nông mang tính đột phá. Có thể thấy, những năm đầu thế kỷ 20, xã hội M’nông đang còn ở thời kỳ kinh tế hái lượm, săn bắt, trồng trọt, chọc tỉa trên nương đồi, sống du canh, du cư, ở chế độ thị tộc lại không có chữ viết. Và cũng trong thời kỳ này, nhiều cuộc khởi nghĩa của đồng bào M’nông do N’Trang Ghư, N’Trang Lơng lãnh đạo chống lại sự xâm lược và áp đặt chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp; những nguyên nhân trên trong nhiều nguyên nhân khác đã dẫn đến sự đứt khoảng về văn hoá, đã làm mất đi tập quán làm gia phả của dân tộc M’nông.
Dòng văn hoá gia phả dòng họ được lưu giữ trong trí nhớ của lớp người lớn tuổi, tộc trưởng, người có hiểu biết; nhưng ngày lớp người này nay đã già yếu và có nhiều người đã chết, nên nhiều Boi Jau cũng theo họ xuống nằm dười lòng đất. Cũng như văn hoá sử thi, văn hoá cồng chiêng, nghệ nhân hát sử thi (kể Ot N’rông) ở Đăk Nông năm 2004 còn 30 người, nghệ nhân đánh chiêng 90 người, chưa có thống kê nào về số người chết biết Boi Jau, thì đến nay nghệ nhân kể sử thi chỉ còn không quá 10 người, nghệ nhân cồng chiêng (tấu được 10 bài trở lên) còn không quá 30 người, và chắc chắn người biết Boi Jau cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong quá trình phát triển văn hoá xã hội đương đại, chúng ta chưa chú trọng hoặc chú trọng nhưng chưa kịp thời bảo tồn, gìn giữ, đã để dòng văn hoá Boi Jau cũng như nhiều dòng văn hoá khác đã mai một, mất đi một cách nghiêm trọng.
Chúng ta đang ra sức xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, con người là trung tâm thì con người trước hết phải biết về cội nguồn, về dòng họ, huyết thống; và trong giao dịch xã hội, bao nhiêu thủ tục hành chính liên quan đến tên họ, con người, thì con người phải được xác lập họ và tên đầy đủ.
Boi Jau là một dòng văn hoá M’nông đã hình thành và xuyên xuốt trong quá trình phát triển của dân tộc M’nông, mặc dù nó đã bị đứt khoảng, không được liên tục, đầy đủ trong cộng đồng người M’nông, nhưng dòng văn hoá ấy vẫn còn và có những giá trị nhân văn, mang ý nghĩa thực tiển cao. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá gia phả dòng họ M’nông, không chỉ tôn vinh vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mà còn đáp ứng nhu cầu của đồng bào M’nông đang có ý thức về cội nguồn và nhằm lưu truyền lại cho con cháu mai sau, tạo thuận lợi trong quản lý hộ tịch, hộ khẩu, các loại giấy tờ hành chính liên quan, tránh được những điều đáng tiếc trong hôn nhân cùng huyết thống.
Theo baotayninh.vn