Suy ngẫm về câu nói: "Con là nợ, vợ là oan gia"
Câu này chúng ta vẫn thường hay nghe, tuy nhiên ý nghĩa của chúng là như thế nào? Có đúng như thế không?
Sau đây xin mời quý vị cùng tìm hiểu vậy:
1. Con là nợ:
Quả thật con của chúng ta sinh ra sẽ có nợ nần với chúng ta. Vì nếu không có nợ, chúng ta đã không sinh ra chúng, hoặc nếu nợ ít thì đứa trẻ khi sinh ra thường sẽ bị cha mẹ bỏ rơi, chứ không có vất vả nuôi.
Đa phần nhiều trường hợp sinh con là nợ, tuy nhiên trong nợ đôi khi vẫn có phúc. Vì nhiều bậc cha mẹ có đức độ lớn, họ sinh ra được những đứa con tài năng, giỏi giang, đạo đức, thậm chí nhiều đứa lúc tuổi còn trẻ mà đã nổi tiếng rồi, đã làm ra tiền phụ giúp bố mẹ khiến cuộc sống giàu lên, vang lừng tiếng tăm. Với trường hợp này, cha mẹ nợ chúng ít mà chúng nợ cha mẹ thì nhiều, nên sinh ra là khiến cha me được hưởng phúc. Còn ngược lại, có những đứa con sinh ra đời chỉ để làm khổ cha mẹ.
Trường hợp này là vì nghiệp vì nợ mà đến, nên khiến cha mẹ gặp khổ đau. Ví dụ: Kiếp trước cha mẹ ấy từng giết một con khỉ, nên con khỉ này thù người giết nó, nên nó nguyện trong lòng phải sinh vô trở lại làm quyến thuộc gia đình ấy để phá. Đây gọi là vì ác nghiệp oan gia mà đến với nhau.
2. Vợ (chồng) là oan gia:
Vấn đề này chúng ta cũng chưa biết chắc chắn được. Nhưng một khi đã trở thành vợ chồng với nhau thì chúng ta có thể đoán rằng: Họ đã có nghiệp ái tình (ái dục) với nhau trong tiền kiếp rồi. Quả ái tình do gieo nhân ái dục, tham ái trong nhiều đời trước mà hình thành.
Ví dụ: Một cậu thanh niên đi trên đường, gặp một cô gái xinh, khi gặp cậu khởi tâm cảm mến thích thú, tác ý yêu thương, muốn cô ấy làm người yêu của cậu - Tuy chỉ một niệm khởi như thế, nhưng đã gieo nhân ái dục rồi, qua các kiếp sau cậu này sẽ phải lập gia đình (có thể cưới cô đó hoặc cưới các cô gái khác có ân nghĩa). Việc hai người cưới nhau, cũng có thể là có oan trái, ân oán, hận thù, nợ nần...với nhau. Nhưng cũng có khi chỉ có nợ và bị nghiệp ái dục đơn thuần, chứ không có oán thù.
Nếu hai người sau khi quen nhau, rồi cưới nhau mà sống rất hạnh phúc, thương yêu nhau, không bao giờ xúc phạm, hay đánh chửi nhau. Cặp đôi nào sống được như thế, chúng ta đoán rằng họ chỉ có nghiệp ái dục và nợ nần, có duyên lành với nhau trong tiền kiếp, chứ không phải oan gia.
Còn ngược lại, sau khi cưới nhau về, tất cả thời gian sống gần nhau chỉ toàn là tuông ra những lời chửi mắng hay những câu nói cay nghiệt, chén bát đũa muỗng bay tứ tung.... Thì phải biết rằng cả hai đang có ân oán quá khứ với nhau, gặp nhau chỉ để trả nghiệp, chứ không có yêu thương gì cả.
Con cái hay vợ chồng, dù đến với nhau vì ân nghĩa hay vì oán thù... cũng đều làm cho con người đau khổ, nối dài thêm đường luân hồi bất tận khó dứt.
Vì thế, với người tu đạo, họ buông bỏ hết, không ham muốn đời sống thế tục, không muốn có vợ (chồng), cũng không muốn sinh con đẻ cháu.
Lựa chọn đi trên con đường thanh tịnh của Chư Phật Chư Đại Bồ Tát đã đi qua, đó là tu hành giác ngộ thành Phật, chấm dứt luân hồi khổ đau
------------------------------------------
CON LÀ NỢ, VỢ LÀ OAN GIA, CỬA NHÀ LÀ NGHIỆP CHƯỚNG
Hỏi: Xin Thầy giải thích cho con câu nói: “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng”
Trả lời:
Nghe câu này chắc mấy cô giận lắm nè, nghĩ sao nói là vợ là oan gia, con là nợ, chứ sinh 10 đứa con là mười cục nợ hay sao, rồi lấy vợ, vợ lại là oan gia, rồi cửa nhà là nghiệp chướng?
Thưa quý Phật tử, câu này không phải là câu Phật nói. Câu này thật ra không phải là sai hết đâu, nó đúng ở một vài khía cạnh nào đó. Trong trường hợp những gia đình có những đứa con quậy quá, sự thật là có những đứa con tới đòi nợ. Có những đứa con thương cha, thương mẹ, lo ăn, lo học, lo làm, lo cho cha mẹ, những người con biết ơn và trả ơn cho cha mẹ. Nhưng lại có những đứa con quậy phá, làm cha mẹ khổ lắm, đôi lúc nó mặc định cha mẹ phải lo cho nó.
Thầy nhắn nhủ quý Phật tử, nếu còn đang đi học, mình nhắm được thì đi làm thêm, lấy tiền đó đóng tiền học. Còn nếu trong thời gian chưa có đi làm, chưa có tiền thì mượn tiền cha mẹ đi học, học xong đi làm có tiền phải trả lại cho cha mẹ. Nên tập tính tự lập, vì từ nhỏ đến giờ cha mẹ khổ vì mình bao nhiêu rồi, bây giờ mình còn là gánh nặng cho cha mẹ nữa sao.
Mình làm sao đừng để là gánh nặng cho cha mẹ, phải trả ơn của cha mẹ. Đức Phật nói có 2 người rất khó có thể trả ơn được đó là: Cha và Mẹ. Thầy xin khuyến khích quý vị trả ơn đúng trong nhà Phật, đó là nhớ làm được 4 điều sau đây:
- Hướng dẫn cho cha mẹ biết quy y
- Hướng dẫn cho cha mẹ sống đời đạo đức, giữ 5 giới, có đức hạnh
- Hướng dẫn cho cha mẹ biết bố thí, làm phước, cúng dường
- Hướng dẫn cho cha mẹ có trí tuệ, biết tu học và buông bỏ những phiền não, những khổ đau
Theo bốn cách này thì quý vị có thể trả ơn được cho cha mẹ đúng, chứ không phải xây cái nhà cho cha mẹ ở là trả ơn, cho ăn ngon là trả ơn, điều đó không có sai, mà chưa được gọi là trả ơn trọn vẹn cho cha mẹ theo đúng ý nghĩa.
Có trường hợp những đứa con quậy phá giống như là cục nợ vậy quý, có những người cha, người mẹ khổ vì đứa con, khổ đến chết, mà bỏ thì không được. Mà quý vị biết đó, bây giờ mà mình bất hiếu với cha mẹ thì sau này đứa con của mình bất hiếu lại, lúc đó mới cảm thấy cảnh khổ như thế nào. Trong trường hợp này người ta mới nói câu con là nợ là như vậy đó quý vị.
Thứ hai “Vợ là oan gia” ý nói là lập gia đình mà lấy người vợ hiền thục, ngoan ngoãn biết lo cho gia đình thì không sao, mà lấy phải người vợ ăn chơi, quậy phá thì khổ lắm.
Thầy được biết một câu chuyện thế này, có một gia đình ở ngoài người ta nhìn vào thì thấy cha mẹ và các con sống hạnh phúc lắm, nhưng một thời gian anh chồng tự tử chết. Anh chồng có để lại bức thư nói lý do tại sao ảnh chết là do gia đình đang hạnh phúc thì cô vợ đi quýnh bài, nợ nần, không lo chăm sóc cho chồng con nữa, ảnh nói nhiều lần nhưng cô vợ vẫn không thay đổi, nên dù thương vợ, thương con, ảnh vẫn quyết định tự tử. Người ta vẫn nói vợ chồng đến với nhau là cái duyên, nhưng một số trường hợp chưa chắc là do duyên mà đó là do nợ. Trường hợp là nợ này thì khổ lắm. Nợ người đó, người đó quậy cho khổ cực kỳ luôn, mà bỏ không được, giống như phải trả hết nợ rồi mới buông nhau được. Những trường hợp vợ như vậy gọi là oan gia.
Thứ ba cửa nhà là nghiệp chướng, tại sao cửa nhà là nghiệp chướng? Người ta làm cả đời để dành tiền mua nhà còn không được thì sao gọi cửa nhà là nghiệp chướng? Có người làm xong cái nhà là bao nhiêu tội lỗi, ác nghiệp, giống như là dẫm đạp lên ác nghiệp, làm những điều sai trái để mà có được căn nhà đó. Thì đổi lại căn nhà đó là bao nhiêu nghiệp chướng hoặc có được căn nhà đó xong rồi hưởng phước, rồi chấp chước đủ thứ thì cũng gọi là nghiệp chướng.
Câu này không phải trong nhà Phật nhưng nó đúng ở khía cạnh vừa rồi, ở khía cạnh tiêu cực thôi quý vị. Nhưng mình là Phật tử, mình đừng có nhìn như vậy. Mà mình phải thấy như thế này, trong cuộc sống này mình gặp một ai đó thì đó là một cái duyên, là một ân tình. Làm sao để nó là thiện duyên chứ đừng thành ác duyên, thành ác duyên sau này gặp lại khổ lắm.
Nếu mình có duyên có một đứa con thì đừng nghĩ nó là nợ mà phải có trách nhiệm với đứa con đó, còn đứa con bất hiếu hay không là chuyện của nó. Nếu có vợ thì bổn phận của người chồng là lo cho người vợ, chồng thương vợ rồi mà vợ không thương lại là chuyện của người vợ hoặc người vợ thương mà người chồng không thương lại, là chuyện của người chồng. Đến một lúc nào đó hết duyên rồi thì giải thoát cho nhau, chứ nhốt nhau trong địa ngục làm gì. Nhưng nếu còn duyên thì quan trọng là cách đối xử của cả người vợ và người chồng.
Đối với cái nhà, đừng nghĩ nó là nghiệp chướng mà hãy nghĩ nó là phương tiện. Có một lần Thầy giảng thì có Phật tử về bán luôn ba cái nhà. Bán xong vào gặp Thầy nói hôm trước con vào nghe thầy giảng bài buông bỏ xong con bán luôn ba cái nhà, rồi thầy hỏi giờ cô ở đâu - dạ con ở phòng trọ. Thầy không nói buông bỏ là bán nhà, mà xem cái nhà là phương tiện, chứ đừng khổ vì nó quá.
Ba cái chuyện đời thường của mình như ăn, mặc, ở thì quý vị ráng làm sao đừng vì nó mà làm mình khổ, thì lúc đó mình mới có trí tuệ đi vào cái tầng tâm linh sâu hơn, chứ suốt ngày khổ vì ăn, mặc, ở thì nói gì đến tu tập tiến bộ. Nhà cửa, xe cộ cũng vậy. Quý vị xem nó là phương tiện và từ cái phương tiện đó làm cho mình có phước, để từ đó mình an vui. Có cái nhà, cái xe mà khổ thêm thì không nên.
Câu nói con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng thầy nhắc lại câu này không phải là câu nói của nhà Phật, nhưng nó cũng phản ánh một phần khía cạnh nào đó là đúng. Mình là đệ tử Phật thì mình nhìn khác một chút, xem đó là cái duyên. Phải biết cảm ơn cuộc đời vì mình đã gặp người đó, vì đã dạy cho mình một bài học. Nếu người đó đối xử tốt với mình thì mình cảm ơn họ, còn nếu người đó đối xử không tốt với mình thì xem người đó cho mình một bài học khó. Để đo xem ta tu đến đâu vì điều gì cũng có thể là bài học cho ta hết.
(Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp) - ST