Những tình cảm không quên

 Anh em chúng tôi sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Bố tôi vốn được học chữ Nho từ bé, bố thi đỗ nho sinh nên về dạy chữ Nho ở làng, sau cụ chuyển sang nghề kinh tiêu và bốc thuốc Bắc. Trước kia những người học chữ Nho có thể làm được 3 nghề: “thầy cúng”, “thầy đồ” và “thầy lang”, bố tôi là thầy lang. “Cụ Lang Phổ” là bố tôi có cái hiệu thuốc Bắc “Phổ Sinh Đường” mở trên phố Sặt…Khi mở hiệu kinh tiêu thuốc Bắc, kinh tế gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn, đủ tiêu, chẳng giàu có gì vì cái nghề làm thuốc bố tôi bảo đã “vi nhân thì bất phú”, âu cũng đúng như vậy. Vốn là một nhà Nho, một thầy đồ lại là trưởng nam của một dòng họ lớn của làng Chằm có truyền thống văn hiến, nên bố tôi rất coi trọng gia phong và truyền thống của làng xã.


Bố tôi lấy vợ lần đầu (bà Cả), do số phận hiếm mọn, chỉ có một con gái, sau nhiều năm cũng không có con trai. Để có đứa con trai nối dõi tông đường, bố lấy thêm người vợ thứ 2, mẹ hai chúng tôi, đã sinh anh Hựu là trai và chị Đa, nhưng chẳng may mẹ hai mất sớm, bố cưới vợ lần thứ ba. Mẹ đẻ của tôi chính là người vợ thứ 3 của bố và cũng là mẹ kế của các anh chị. Mẹ già tôi sinh được 2 gái, chị đầu mất sớm khi còn trẻ.

Nhà xưa
Mẹ hai sinh được một chị gái và một anh trai, chúng tôi thường gọi là anh Cả. Mẹ đẻ ra tôi (bà Ba), sinh được bốn người con, 2 trai 2 gái và tôi là con thứ 2 của mẹ, sát trên là người anh hơn tôi 2 tuổi, sát dưới là cô em gái kém 3 tuổi, cậu em út kém tôi 10 tuổi.

Do bố đã lớn tuổi mới lấy mẹ tôi nên chênh lệch về tuổi tác giữa các anh chị con riêng của bố và chúng tôi rất nhiều. Thậm chí anh em chúng tôi chỉ ngang tuổi con lớn của các anh các chị…Ngày trước những gia đình như vậy cũng không phải hiếm.

Từ bé được thừa hưởng truyền thống Nho giáo của gia đình, nên tôn ty trật tự giữa các anh chị em, cho đến các cháu chắt nội ngoại cho đến nay, gia đình tôi vẫn giữ được nền nếp gia phong, anh chị em đoàn kết và thương yêu kính trọng nhau lắm. Chả thế gia đình tôi vẫn được trong họ ngoài làng ngưỡng mộ tôn vinh là gia đình mẫu mực.

Anh chị em chúng tôi lúc nào cũng tự hào là được sinh ra, lớn lên từ làng Mộ Trạch, được mệnh danh là “Đất học”. Cùng với nỗ lực của bản thân, với truyền thống quê hương, được sự giáo dục của gia đình đặc biệt là của cụ đồ nho là bố tôi, anh em chúng tôi sau này đều học hành đến nơi đến chốn và đỗ đạt.

Với các anh chị chúng tôi, sẵn có truyền thống văn hóa của gia đình, với lòng yêu nước, các anh chị sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, các chị gái thì tham gia làm giao liên, du kích, anh trai và các anh rể đều là các Đảng viên, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Sau hòa bình các anh đều là lãnh đạo ở địa phương. Anh rể cả là Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương), anh rể thứ hai là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Bình Giang, anh rể thứ ba là Bí thư đảng ủy Thị trấn Kẻ Sặt.

Anh trai cả Vũ Thiên Hựu là một trong số cán bộ đầu tiên khi thành lập Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tháng 5 năm 1951, về sau anh là Phó chi nhánh NHNN tỉnh Hải Hưng. Đối với ngành Ngân hàng anh Cả được mệnh danh là người thông minh, trí tuệ có nhiều đóng góp cho ngành. Trên thương trường, ngoài xã xã hội anh tôi là người chỉ đạo giỏi về kinh doanh. Đối với quê hương, dòng họ, anh em trong gia đình, anh là người con, người anh mẫu mực, có tình thương và trách nhiệm cao. Anh em chúng tôi và cả dòng họ đều coi anh là trụ cột của một đại gia đình, một chi dòng họ Vũ Võ.

Bốn anh em chúng tôi mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng được thừa hưởng truyền thống gia đình, đặc biệt có sự dạy dỗ của bố mẹ, theo tấm gương các anh chị, mà sau này chúng tôi đều trưởng thành và thành đạt.

Anh Tích trên tôi là Quân giải phóng đã được tặng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe tăng”, “Dũng sỹ xung kích cấp ưu tú” và Huân chương Chiến công hạng Nhì. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Miền Nam, là một thương binh sau trưởng thành là Giám đốc Ngân hàng huyện Cẩm Bình. Em gái kế tôi (Vũ Thị Liên) là Tiến sỹ, giữ chức vụ Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước. Em trai út Vũ Xuân Quang sớm tốt nghiệp Đại học, rồi thạc sỹ nay giữ chức vụ Phó Giám đốc một Trung tâm Đào tạo Ngân hàng.

Còn tôi, sau khi bố mất năm 1966, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không còn được đi học tiếp hết cấp 3, mà phải đi làm sớm để mẹ tôi có điều kiện nuôi 2 em ăn học tiếp. Xuất phát điểm đi làm cán bộ Ngân hàng trình độ học vấn của tôi mới hết lớp 7, nghĩ đến truyền thống gia đình, noi gương sáng của các anh chị và nhất là nghĩ đến người bố mới mất, tôi vừa làm vừa dành thời gian tự học, để sau này đã hoàn thiện được chương trình phổ thông 10/10, tiếp tục học và tốt nghiệp chuyên ngành từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng đến Đại học ngành Ngân hàng và sau này là cả Cao cấp lý luận chính trị Mác-Lê nin. Tôi cũng là số ít cán bộ được giao giữ các chức vụ từ rất sớm. Khi 22 tuổi là Kế toán trưởng, năm 32 tuổi là Phó giám đốc Ngân hàng huyện, năm 34 tuổi Phó giám đốc Ngân hàng Thị xã Hải Dương, rồi Phó Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng Công thương tỉnh Hải Dương. Ngoài ra tôi còn giữ nhiều chức vụ khác trong cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Hưng, sau này là Hải Dương.

Có thể nói, với các kết quả đó, tôi có thể tự hào được sinh ra trong gia đình thành đạt và hạnh phúc.

Về các anh chị của chúng tôi, tuy với chúng tôi là cùng bố khác mẹ nhưng các anh các chị chăm sóc và lo lắng cho chúng tôi còn hơn cả anh em ruột cùng bố cùng mẹ. Từ các việc lớn như công ăn việc làm, lấy vợ gả chồng cho các em, săn sóc mẹ tôi khi đau yếu, rồi đến khi lo ma chay cho mẹ khi bà qua đời. Các anh chị trả hiếu không khác gì mẹ đẻ.

Nói về tình cảm quan tâm săn sóc các em của các anh chị, ngoài trách nhiệm như của một người anh, người chị đối với các em, đôi khi tôi như thấy còn có cả tình cảm thiêng liêng của người cha trong đó. Biết như vậy nên tôi luôn hiểu và thầm biết ơn các anh chị và nguyện sẽ tin yêu, kính trọng các anh chị, không chỉ như là các đứa em ngoan, mà còn như một người con với cha, mẹ. Mẹ tôi khi còn sống thường nhắc chúng tôi “Quyền huynh thế phụ, bố chết, anh Cả thay cha, các con phải nghe anh và không khi nào được hỗn láo”, và chúng tôi đã làm đúng những điều mong muốn của mẹ.

Tình cảm của anh chị tôi có nhiều lắm không nói sao hết được, tôi chỉ xin kể về một kỷ niệm, nó đã theo tôi suốt cuộc đời mà chưa bao giờ tôi quên. Tháng 3 năm 1966 gia đình tôi có biến cố lớn, bố tôi qua đời ở tuổi 74, chúng tôi mất một người cha hết mực yêu thương con, gia đình tôi mất một trụ cột gia đình, khi mà nguồn kinh tế trước đây đều do một mình bố tôi lo là chính. Gia đình không còn kinh tiêu thuốc Bắc như trước, mà đã quay ra làm nông nghiệp, mẹ tôi đã già, lại chưa quen với nghề làm ruộng và phải nuôi 4 đứa con còn đang tuổi ăn học. Các anh chị tuy có khá hơn nhưng cũng chỉ tằn tiện đủ nuôi các cháu lúc bấy giờ, vì các anh chị người ít thì cũng 4 con, anh nhiều có đến 6 đứa, các cháu còn nhỏ và sàn sàn như nhau, rất khó khăn rồi lấy đâu ra để giúp đỡ các em, vì vậy, quả thực đối với gia đình tôi, bố mất là một khó khăn vô cùng lớn.

Trong hoàn cảnh đó, anh Cả đã xin cho anh Tích, anh sát trên của tôi, đi làm (thoát ly), song mới chỉ đỡ cho mẹ được phần nào.

Đầu năm 1966, ở nhà với mẹ còn 3 chị em chúng tôi, đang tuổi đi học, tôi 16 tuổi, em gái Vũ Thị Liên 13 tuổi, em trai út Vũ Xuân Quang 6 tuổi. Nuôi 3 chị em chúng tôi mẹ sẽ còn vất vả lắm. Trước hoàn cảnh đó, tiếp theo anh Tích, anh Cả đã về thu xếp để tôi có thể đi thoát ly. Anh cả nói “Cô Ngà là lớn sẽ đi làm, cô Liên, chú Quang cố gắng học tiếp thi lên cấp 3”, anh Cả cũng nói thêm “Số tiền hàng tháng gửi về cho thầy, nay con xin để lại để mẹ thêm vào nuôi các em ăn học”. Mẹ tôi cảm động biết ơn song cũng không nỡ nhận, vì biết gia đình anh lúc này cũng còn khó khăn nhiều.

Mặc dù vẫn mong muốn được đi học, nhưng trong hoàn cảnh thương mẹ, và tạo điều kiện cho mẹ nuôi hai em có thể đi học tiếp cho bằng chị bằng em, tôi chấp nhận đi làm hay còn gọi là đi thoát ly, lúc đó tôi mới vừa tròn 16 tuổi. Với dáng người nhỏ gầy yếu, cao chỉ 1,45 mét nặng 32 cân, tôi như một đứa trẻ 13, chưa phát triển đầy đủ của người con gái tuổi dậy thì. Mẹ và các anh, chị thương tôi lắm nhưng biết làm sao được. Kìm nén nỗi thương cha mới mất với dải tang dài đến ngang chân, một tấm áo lụa đen để trở, tôi ra đi thoát ly trong hoàn cảnh thế đấy.

Nhà nghèo đi làm không có sẵn quần áo, mẹ phải điều đình cái áo đang mặc của em Liên để chị có áo thay đổi (vì chị em sàn sàn nhau, mẹ may quần áo như nhau, chúng tôi mặc vừa áo của nhau mà không ai nhận ra là đi mượn). Với một túi du lịch tự may bằng vải xanh, hai bộ quần áo, một đôi dép cao su để dầy quai rút theo kiểu Thái lan, tôi lên đường thoát ly với bao tâm trạng ngổn ngang buồn vui khôn xiết.

Anh Cả nộp đơn cho tôi đi làm ở 2 nơi: Ngành Ngân hàng và Bưu điện. Hồ sơ phải khai tăng lên 01 tuổi cho phù hợp với luật lao động. Cũng may sao ngành Ngân hàng có lớp tuyển con em trong ngành thế là vì có anh là phó chi nhánh NHNN tỉnh, tôi được tuyển đi học lớp Sơ cấp.

Một buổi sáng tôi chuẩn bị theo anh Cả ra Hải Dương nhận Quyết định đi làm, chị gái tôi (chị Vũ Thị Đa) vội vàng bước vào, với giọng ân cần chị hỏi em đã chuẩn bị những gì rồi và đặc biệt chị quan tâm đến những đồ dùng của phụ nữ, khổ nỗi lúc đó tôi đâu có biết gì mà chuẩn bị, mẹ tôi thì bận và còn nhiều em tôi nữa nên cũng không để ý gì hết. Chị đưa cho tôi một áo sơ mi hoa chanh, một cái quần lụa gấm còn thơm mùi vải mới cùng một vài đồ lót cũ. Chắc để đủ tiền mua quần áo cho tôi chị đã phải dành cả tháng tiền công thùa khuy, đơm cúc áo cho Hợp tác xã may mặc của thị trấn, còn với tôi đây là món quà quá lớn rồi.

Tôi chia tay mọi người theo anh Cả ra Hải Dương nhận việc. Tôi chưa biết sẽ như thế nào khi phải tự lập và sống xa gia đình. Mẹ tôi đứng bần thần, còn chị tôi thì nhìn tôi nước mắt ngấn lệ ngẹn ngào nói : “Dì đi cố gắng học mà làm nghề nhé”, không quên nhét vào tay tôi 5 đồng. Tôi rảo bước ra đi mà lòng bâng khuâng, cổ nghẹn ngào, nặng lòng nỗi thương mẹ nhớ cha, thương các em. Cuộc đời thoát ly gia đình của tôi là như thế đó.

Một năm sau, tôi trở thành một nhân viên kế toán ngân hàng huyện Cẩm giàng, được ăn cơm tiêu chuẩn của nhà nước, dáng vẻ cao hơn chút ít, tuy còn nhỏ bé nhưng đã ra một cô cán bộ chững trạc.

Với truyền thống hiếu học của gia đinh, cộng thêm lòng yêu nghề của bản thân, sau 6 tháng học sơ cấp, tôi được phân công làm kế toán của Ngân hàng Cẩm Giàng, tích cực học hỏi các bác, các anh chị đi trước, chẳng bao lâu tôi đã trở thành kế toán viên thành thạo, luôn hoàn thành nhiệm vụ được các bác lãnh đạo khen ngợi.

Một hôm vào một ngày mùa đông giá rét, anh Cả về dự họp với chi nhánh Cẩm Giàng tại nơi sơ tán, do họp bận anh em chỉ gặp được nhau ít phút, anh nhìn cô em gái, trời rét mà chỉ có độc một cái áo sơ my, chắc nghĩ tôi không có áo rét, anh thương và sót em lắm. Cầm lòng không được anh hỏi “Cô mặc thế này không rét sao?”, vì dấu anh tôi trả lời “em không thấy rét”, kỳ thực tôi có áo rét nào đâu, nói thế để anh tôi yên lòng. Sau một hai tuần gì đó tôi nhận được món quà của anh Cả gửi về là chiếc áo đông xuân chui đầu cổ lọ mầu xanh, sau này tôi xẻ cổ chữa thêm cái phéc-mơ-tuy kéo lên là cổ lọ, khi kéo xuống là cổ bẻ. Chiếc áo đã làm tôi ấm lòng, thầm biết ơn anh. Ngoài những việc lớn lao phải giải quyết, anh quan tâm đến sự ấm áp của em mình. Tôi luôn kính trọng và coi anh là người thay cha để dìu dắt tôi trong suốt cuộc đời.

Thời gian trôi qua đã gần ½ thế kỷ nay các anh chị tôi đã già yếu 85-90 tuổi cả rồi, những tấm áo manh quần nay đã cũ, còn tôi đã phôi pha vào tuổi xế chiều (66 tuổi), song những kỷ niệm tình cảm về các anh chị với tôi càng in sâu và mãi còn như mới nguyên trong tâm trí.

Theo quy luật tự nhiên, tôi và các anh chị đều phải về với tiên tổ, song tôi mong muốn những tình cảm tốt đẹp của anh chị em tôi sẽ tồn tại mãi mãi và được nhân ra cho thế hệ các con cháu sau này. Món quà tuy nhỏ nhưng tình cảm bao la, chứa đầy tình người và mang đầy tính nhân văn.

Hải Dương, ngày 14 tháng 7 năm 2015

Mới hơn Cũ hơn