1. Thành Bát Quái:
Gia Định được chúa Nguyễn xây dựng để làm kinh đô có tính năng siêu phòng thủ, trong trường hợp không thể đánh thắng nhà Tây Sơn để trở về Phú Xuân (Huế).
Nếu nhìn bản đồ ngày nay thì:
Bên trong thành Bát Quái khá tiện nghi, bao gồm cả Vincom, Diamond Plaza, trường Y Dược, trường Kinh Tế,...
Về sau thành Bát Quái bị phá và được thay thế bằng thành Phụng chỉ nhỏ bằng 1/3. Trong này có Ministop, Lotteria, trường Nhân Văn và đài HTV.
Cuối tuần vợ chồng chúa Nguyễn Ánh có thể qua Highlands uống cà phê, chiều đi dạo đường sách Nguyễn Văn Bình, tối rảnh thì dẫn gia đình ngồi hồ con Rùa ăn bánh tráng trộn hoặc ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, hoàng tử Cảnh muốn học bài có thể ghé Thức cày xuyên đêm. Khi quân Tây Sơn chưa đến thì cuộc sống nói chung cũng nhàn và chill.
Sau khi chúa Nguyễn vĩnh viễn rời Sài Gòn, các đời Tổng trấn Gia Định thành tiếp tục cư ngụ nơi đây.
2. Mả Ngụy:
Ông Lê Văn Duyệt là tướng xếp vào hàng bá đạo nhất của vua Gia Long. Khi nhậm chức Tổng trấn Gia Định, quyền lực của ông có thể nói là vị vua không ngai ở Sài Gòn. Lê Văn Duyệt có xích mích với vua Minh Mạng. Nhà vua rất cay Lê Văn Duyệt nhưng uy thế của Duyệt quá lớn nên chưa làm gì được. Thành thử khi Duyệt chết, Minh Mạng lập tức thay đổi hành chính toàn bộ miền Nam, bãi bỏ chức Tổng trấn.
Lê Văn Khôi là người con nuôi của Tổng trấn Gia Định. Ông ta lo lắng cho số phận của mình và cũng muốn trả thù cho cha nuôi nên công khai làm phản. Triều đình Huế không thể tin được là trong vòng một tháng Khôi đã chiếm được toàn bộ miền Nam. Nếu Khôi chiến thắng, rất có thể ông ta sẽ là vua của một quốc gia mới.
Minh Mạng lập tức khởi hùng binh Nam tiến. Mặc dù Khôi có thành Bát Quái làm đại bản doanh nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân triều đình, cuộc nổi dậy hoàn toàn bị dập tắt. Tất cả những người tham gia hoặc có liên quan đều bị khép tội mưu phản. Bất kể trẻ con hay người già, gần 2000 người, đều bị kéo ra ngoài chém hết rồi vứt xác xuống hố chôn tập thể gọi là Mả Ngụy. Dân Sài Gòn thương cảm nên thường cúng mấy cái bánh xanh đỏ cho tụi con nít chết oan. Mả Ngụy hoang vu lạnh lẽo, cứ chiều chiều là sương giăng mờ đục như hồn ma không siêu thoát.
"Chiều giông Mả Ngụy cũng giông
Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây
Sống thời gươm bén cầm tay
Chết thời một sợi lông mày cũng buông
Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn...".
Cái Mả Ngụy bây giờ nó nằm loanh quanh ngã sáu công trường Dân Chủ, chỗ Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai đó các bạn ợ... Giờ chỗ này kẹt xe ghê lắm, chắc ma cũng không dám lên.
Tuy nhiên, một số học giả khác cũng lên tiếng về vị trí chính xác của Mả Ngụy. Mặc dù không thống nhất, nhưng nhìn chung cũng chỉ khoảng khu vực nói trên.
Vụ nổi dậy cũng khiến thành Bát Quái bị phá bỏ hoàn toàn để xây lại một cái thành Phụng nhỏ hơn như đã nói ở trên. Rồi thực dân Pháp đánh Sài Gòn nó cũng phá luôn cái thành ấy. Dảk
-----
3. Đồng Tập Trận:
Giờ bạn đi uống trà sữa, dẫn ny vào khách sạn, hát karaoke ở Mimi 3, hay chửi thề ầm ĩ lên khi không kiếm nổi xe mình ở Vạn Hạnh Mall, có lẽ bạn cũng không biết chỗ đó từng là một nơi lạnh lẽo hoang vu, đầy người chết, gọi là Đồng Mả Mồ. Đây chính xác là nơi rùng rợn nhất của Sài Gòn xưa.
"Chẳng có ai đến Sài Gòn chỉ trong một ngày mà lại không nghe nói đến ít nhất về cái nghĩa địa bao la này được gọi dưới cái tên là Đồng Mả Mồ"
Đồng Tập Trận là một tên khác của Đồng Mả Mồ, bởi vì nhà Nguyễn thao diễn quân sự ở đây. Họ bắn súng, duyệt binh, dẫn theo cả voi chiến.
"Hàng năm, sau Tết ít lâu, ông (chỉ Lê Văn Duyệt) tổ chức diễn tập quân đội của lục tỉnh nơi đồng Tập trận, nay có các cột dây thép gió. Cuộc thao diễn ấy được quan niệm dưới hai khía cạnh vừa chính trị vừa tôn giáo, đúng hơn là mê tín. Cuộc thao diễn có mục đích khoa trương lực lượng sẵn sàng đàn áp mọi cuộc gây rối, đồng thời để xua đuổi ma quỷ xấu xa."
Khu vực này còn được gọi là "Mô Súng" vì có các mô đất cao dùng để đặt các khẩu súng đại bác cho nhà Nguyễn tập trận. Sau khi thao diễn xong, Tả quân Lê Văn Duyệt sẽ đi tới Xướng Thủy (chỗ cuối đường Tôn Đức Thắng) để xem thủy binh đánh trận giả. Trong suốt cuộc rước binh đó, dân chúng ở trong nhà và cố gắng gây huyên náo, như đốt pháo xua đuổi tà thần có thể ếm hại gia đình...
Phạm Vĩnh Lộc