Trước đó, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát chúa bắt buộc dân chúng nam nữ đều phải dùng kiểu áo ngũ thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống, trên đầu để tóc búi. Từ đây, áo bốn thân, váy, tóc vấn dần dần không còn xuất hiện phổ biến ở Đàng Trong:
“Nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây”.
Vậy là chiếc áo dài ngũ thân được chúa Nguyễn Phúc Khoát sáng tạo, dành cho cả nam và nữ, được gọi dân dã là “quần chân áo chít” rất nhanh chóng đã phổ biến ra toàn Đàng Trong và chỉ khoảng 30 năm sau nó đã trở thành trang phục chính thức và đặc trưng của Đàng Trong (khác biệt so với Đàng Ngoài).
Đến thời các vua nhà Nguyễn, triều đình muốn thống nhất y phục hai miền khởi đầu từ vua Gia Long (nối tiếp việc sửa đổi của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), rồi đến thời vua Minh Mạng đã được thi hành một cách quyết liệt. Từ quan điểm cần thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc, nhưng ngại sự tốn kém khó khăn do dân chúng còn nghèo, nên không buộc phải gấp rút tuân hành. Quốc Sử Quán triều Nguyễn có ghi lại, vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhà vua xuống dụ:
“Nhà nước ta cõi đất hợp một, chính trị, phong tục há nên có khác? Tháng trước các trấn thần lần lượt xin đổi áo mặc cho sĩ dân, đã từng theo như lời xin. Nay các hạt ở Bắc thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục, là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian nghèo giàu không đều, về sự nhu cầu mặc, tất nên rộng hạn cho ngày tháng. Vậy thiết tha xuống dụ này: Các ngươi đại thần nên sức khắp cho sĩ dân trong hạt: Phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại, để nêu ý nghĩa vâng theo phép vua"
Từ thời điểm này áo dài năm thân (*) cổ đứng, gài 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được trở nên phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian. Sau khi quy định của vua Minh Mạng được tuyên cáo toàn dân, khiến dân tình xôn xao, phản ứng bằng 4 câu ca dao:
“Tháng Tám có chiếu vua ra.
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông.
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?”
Sự việc này cho thấy, thời nào cũng vậy, việc cải tiến trang phục, cách tân thời trang, lúc đầu đều có một lực lượng nhất định ủng hộ, nhưng sẽ có không ít người chống đối, bài xích. Vì vậy, mệnh lệnh của triều đình không được thi hành một cách triệt để trong toàn quốc, đến năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (1837), nghĩa là 10 năm sau, nhà vua lại ban dụ với thái độ quyết liệt:
“Ngày trước, từ Linh Giang [sông Gianh] trở ra Bắc, dân vẫn mặc y phục như tục cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ tỉnh Quảng Bình trở vào miền trong, để phong tục đồng nhất. Lại cho thời hạn rộng rãi, khiến dân được thong thả may sắm quần áo. Từ năm Minh Mạng thứ 8 đến nay, đã mười năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại, từ tỉnh Quảng Bình trở vào Nam, mũ khăn, quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh, xem khá tề chỉnh. Theo phong tục cũ của người miền Bắc, con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. Đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ vẫn giữ nguyên thói cũ, phải chăng cố ý làm trái mệnh trên? Các tỉnh thần nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ nhân dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị tội”.
Hành động quyết liệt về cải cách trang phục của vua Minh Mạng đã tạo cơ hội cho các tầng lớp Nhân dân được mặc áo dài ngũ thân thường xuyên và dần dần đi vào nền nếp trong đời sống hàng ngày. Từ đó, áo dài Huế - áo dài ngũ thân đã lan tỏa ra khắp cả nước.
(*): Áo dài 5 thân gồm 2 khổ vải được may nối lại với nhau thành thân trước, có một thân phụ nằm phía dưới về phía bên phải. Người ta quan niệm rằng, bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người phối ngẫu, còn thân áo thứ 5 tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc (khuy) thể hiện đạo lý làm người Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín và ngũ hành theo triết học Đông phương (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)…
Thế Anh
Nguồn tham khảo:
- Trần Quang Đức (2014), Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, tr. 260.
- Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 6, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 216 - 217.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1972), Minh Mạng chính yếu, Tập 3, Bản dịch của Võ Khắc Văn và Lê Phục Thiện, Ủy ban dịch thuật Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr.282.
Nguồn ảnh: Colere