Thay bò kéo xe

- Một buổi chiều nọ, tôi gánh củi về ngang qua nhà thằng bạn ở giữa tuyến(đường) thì thấy nó cùng người nhà đang săm soi bên chiếc xe bò làm bằng gỗ còn mới tinh. Tôi đặt gánh củi xuống tò mò vô coi thử, tại lần đầu tiên mới tận mắt thấy cái xe bò ngộ ngộ này, cũng như thấy lạ là trên này ai đâu nuôi bò mà nhà nó mua chiếc xe này để làm gì.

Tôi khều nó: Ê, nhà mày có nuôi bò đâu mà mua xe bò chi vậy?

Nó cười nhe hàm răng sún: Đây là cái cộ dành cho người kéo, chứ xe bò cái gì, mầy thấy sợi dây chỗ hai cái gọng không? Là để mình đứng vô đó thay con bò rồi kéo đi...

thay bò kéo xe thời kinh tế mới

Tôi hỏi tiếp: Mà nhà mày có chở gì đâu mà sắm cộ?

- Để kéo củi và than đi bán, chứ mỗi người gánh có một gánh bán đâu nhiêu tiền, nên ba tao xuống làng nhờ người ta làm cho cái cộ này...Ba tao nói chiều mai khởi hành...

Tôi xin nó: Vậy mày cho tao đi theo nha, tao phụ đẩy cho...!!!

Ba nó đứng kế bên nghe tôi nói vậy, ông cười cười: Mai con đem 2 gánh củi qua đây rồi đi chung với nhà chú cho vui. Nhớ chiều mai tập trung ở đây rồi đi.

Chiều hôm sau, tôi có mặt ở nhà thằng bạn thì thấy có thêm mấy đứa quen đã ở đó. Chúng tôi cùng phụ chất củi lên cộ. Anh nó đứng vô giữa hai cái gọng ướm thử sợi dây rồi khoác lên vai nhún nhún vài cái. Xong xuôi, ảnh nhìn mấy đứa tôi rồi nói: Tụi bây ra đằng sau đẩy thử coi ngon lành không. Đừng có xúm hết phía sau, hai đứa 2 bên hông, còn 2 đứa đẩy sau là được...

Tụi tôi chỉ chờ nhiêu đó là xúm xít vô chiếc cộ, đứa thì bên hông, đứa thì đằng sau...cùng hò hét 1, 2, 3...rồi rướn người đẩy tới. Thiệt vui gì đâu luôn. 

Chiếc cộ chầm chậm lăn bánh trên con đường đất gồ ghề nhiều dốc cao, dốc thấp...dẫn ra đường lớn ở đầu tuyến, rồi từ đó xuống thị trấn khoảng 10 cây số( hồi đó người ta chia từng tuyến đường theo ký tự A, B, C hay theo số. Gọi là tuyến đường hay tuyến phân ranh giữa những vạt rừng cách nhau 200 mét mà nhà nước cs chia cho người đi kinh tế mới ở và tự canh tác. Mỗi gia đình cho dù có 10, 15 người hay chỉ một người thì vẫn được cấp đúng 3 sào đất 30x100m, thật ra chỉ toàn là rừng, rồi mạnh mỗi nhà tự phát quang để cất nhà ở và trồng trọt tại chỗ) 

Cứ đẩy đi như vậy độ hơn cây số thì thay phiên nhau làm bò kéo xe. Tôi khoái vụ làm bò nên xin anh nó cho tôi kéo thử. Ra đường lớn tuy vẫn là đường đất nhưng khá bằng phẳng và tương đối dễ đi. Ảnh đi kế bên tôi, tay vịn cái gọng vì sợ tôi nhỏ con lỡ nó bật lên là thôi rồi, có nước củi bị đổ xuống hết, lại mất công chất lên ràng lại.

Cả đám vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện trên đời. Tôi thì rướn người lên kéo, lâu lâu nhún nhún theo nhịp chân đi..Tuổi nhỏ hồn nhiên trong lao khổ. Nghĩ lại mắc cười ghê!

Thường buổi chiều khởi hành và đi tới làng là vào khoảng 9 hay 10 giờ đêm. Cũng áng chừng thôi, vì làm gì có đồng hồ mà coi. Gặp hôm nào có trăng thì đỡ vì dễ thấy đường đi hơn là trời tối. Nhà cửa ở làng thời đó khá thưa thớt, chỉ vườn cây cách nhau dăm bảy chục mét mới có cái nhà . Chúng tôi khi tới làng, hễ thấy nhà nào còn ánh đèn dầu le lói hắt ra là vô gõ cửa đại rồi xin ngủ nhờ ngoài cái sân phơi lúa hay hiên nhà của họ. Gặp nhà có nuôi mấy con chó phóng ra nhe răng sủa ầm ĩ là phải chịu khó kéo cộ qua nhà khác.

Người dân quê rất thơm thảo, biết chúng tôi từ kinh tế mới đẩy củi xuống thị trấn bán, nên hầu như ai cũng cho ngủ lại, có nhà thì còn đem cơm nguội và những thức ăn còn dư ra cho lũ trẻ tụi tui ăn. Vì bao nhiêu cơm độn ăn lúc chiều rồi kéo cộ đi quãng đường xa như vậy nên nó tiêu đâu mất, thành ra đứa nào cũng đói bụng. Có bữa nhà này cho cơm ăn, bữa thì có nhà còn khoai mì hay khoai lang luộc...họ cũng cho. May mắn hơn thì vào ngày rằm hay giỗ quảy gì đó họ cúng chè, xôi, bánh ít lá gai hay những loại bánh dân dã...và nếu còn dư thì họ mang ra cho ăn. Nghĩ cái tình người miền Nam đối đãi với nhau ở thời buổi khó khổ mà cảm thấy xúc động và thật ấm áp vô cùng.

Ăn xong, đứa nào muốn ngủ đâu ngủ, gặp mùa hè trăng thanh gió mát nên thường tụi tôi nằm đại ngoài hiên hay giữa sân phơi lúa mà ngủ. Quen ngủ rừng núi nên chuyện ngủ nghê không thành vấn đề, miễn có chỗ ngã lưng là quá tốt. Để rồi, khi nghe tiếng gà trong làng cất tiếng gáy là cả đám í ới kêu nhau dậy, rồi cùng nhau đẩy cộ đi tiếp quãng đường 4 hay 5 cây số ra hướng thị trấn để bán. Sau khi bán hết số củi, lại kéo nhau vô chợ mua những thứ cần thiết. 

Tôi hễ vô chợ là cứ ghé chỗ bác bán hàng chạp phô mua ít tán đường về để dành ăn. Rồi sau đó mua vài kg gạo, ít cá khô, và có bữa tôi mua nguyên con cá Nhám bự bằng cổ chân về cho ba nấu cà ri. Cá Nhám là loại cá rẻ nhứt vì nó tanh rình, tanh khủng khiếp...nên thường chỉ nấu cho heo ăn là chính. Nhưng vô tay ba tôi thì ngon phải biết.

Đi chợ xong, cả đám ra cộ chất hết những thứ mua được lên đó..chỉ để một người kéo, còn lại phóc lên xe ngồi tán dóc đủ thứ trên đời. Hễ đứa này kéo mệt thì đứa khác thay. Chỉ mấy đứa ốm nhom cùng ít đồ ăn trên cộ, nên đoạn đường về luôn khỏe và nhẹ hơn lúc đi phải đẩy cả một cộ củi đầy nhóc.

Cứ thế, đám trẻ tụi tôi thay phiên nhau làm bò kéo xe, đi trên quốc lộ 1, rồi rẽ vào con đường làng dài hun hút dẫn lên miền rừng xanh núi đỏ xa mờ ở hướng Tây, nơi có những cánh rừng thâm u chào đón mỗi ngày, nơi có hàng trăm túp lều tranh tả tơi như những phận người miền Nam sau cuộc chiến. Nơi mà mỗi đêm chỉ có ánh đèn dầu hiu hắt hay ánh sáng lập lòe, ma quái... từ những đống củi cháy bập bùng không đủ soi rõ mặt người hắt ra không gian núi rừng buồn tẻ, quạnh hiu...chỉ có tiếng chim ăn đêm kêu thảm thiết hay tiếng Cú gọi bạn đến não nùng. Nơi có những tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ thơ chưa hiểu nỗi khổ ải ập lên thân phận chúng. Nơi có những tiếng thở dài đứt ruột của những người lớn vì thời cuộc đổi thay và họ là người thua cuộc phải chấp nhận số phần mà phe thắng cuộc dành cho họ.

 Tác gỉa: Kim Minh

( trích Những tháng năm trên kinh tế mới)

Ảnh nguồn google

gia phả của đất excel sơ đồ dòng họ


Mới hơn Cũ hơn