Chuyến đi tự do

 1. GHE LU.

Mới chưa sáu giờ chiều mà nơi đây trời đã tối mịt, xòe ngữa lòng bàn tay vẫn không thấy được. Vì chung quanh bao bọc toàn là rừng cây Tràm[1]. Chiếc ghe mũi chà dom chở lu[2], được điều khiển bởi ba Hiển đang luồn lách tìm chổ vắng vẻ để cập vào. Đây là một nhánh của con sông rạch Gốc, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nằm ở tận cùng của đất nước. Sau khi đã cập mũi vào dom đất, Hiển cột dây ghe vào cây tràm, vừa nói với Vũ: Anh cho mấy bà lên bờ xả bầu tâm sự. Vì mấy ngày nay nằm dưới khoang ghe, khởi hành từ cù lao Tân Phong, Cái Bè, chạy xuống đây. Nhiều người đã nhịn quá lâu nên giờ không đi vệ sinh được! Vũ cúi xuống khoang ghe, hỏi có ai muốn lên bờ tiêu tiểu gì không? Chỉ có hai người. Chị Trí và Thy, vợ củaVũ. Hai người vừa mới nghe tiếng gọi của mẹ thiên nhiên xong và còn đang vươn vai… thì nghe tiếng máy tàu lớn dần, lớn dần và một chiếc tàu đánh cá chạy ũi ngay vào dom đất.

Ầm! Ầm! Âm thanh của chiếc tàu cá đụng mạnh vào thân chiếc ghe chở lu, tiếng đổ vỡ của những cái lu bị va chạm vào nhau, âm thanh của những chiếc lu bị đạp bể vì bước chân người chen nhau để leo lên tàu lớn! Tiếng réo gọi thất thanh của người mẹ tìm con lạc, tiếng chồng gọi vợ…. Những âm thanh ồn ào, náo loạn đó đã đánh thức những người dân bên kia bờ con rạch nhỏ. Ánh đèn pile từ bên kia bờ sông, quét sang loang loáng, làm mọi người lo sợ nên im lặng. Chỉ trong chớp mắt, người cuối cùng cũng đã leo lên. Tất cả mọi người được sắp xếp, ngồi im trong các khoang bụng của con tàu. Con tàu lấy số lùi lại, rồi chạy một khoảng chừng tàn điếu thuốc, thì cập vào một căn nhà sát bờ sông lớn, tắt máy nằm chờ. Anh tài công Chín Bồng, cúi xuống miệng hầm nói nhỏ với Vũ: Anh Vũ, mình nằm đây chờ anh Dũng (chủ tàu). Anh ấy đang đi nhậu với mấy người địa phương (đây là một chiến thuật dương đông kích tây, để bốc người sang tàu cá). Thời gian như lắng đọng cùng với sự chờ đợi anh Dũng trở về…Tiếng nhạc sành đâu đó reo vang vang, thỉnh thoảng nghe âm thanh “ụp! ụp”, tiếng cá trồi lên mặt nước táp móng. Một khoảng thời gian bằng tàn một điếu thuốc lá, trong đêm đen từ xa xa vọng lại, tiếng nổ của chiếc ghe máy đuôi tôm vang đến, tiếng máy nghe càng lúc càng to dần… Tiếng nổ giảm dần, nhỏ dần, khi nó chạy đến gần con tàu cá thì tắt hẳn. Ngồi bên trong hầm cá, mọi người im thin thít, không dám thở mạnh. Tiếng va chạm nhẹ khi chiếc ghe vỏ lãi cập vào mạn tàu. Tiếng bước chân người lên boong tàu, và rồi một giọng nói đanh sắt, the - thé của người đàn bà cùng đi nhậu chung trên ghe vang lên:

“Anh Năm! Tui đề nghị anh kiu mấy anh bên biên phòng[3] qua, xét bắt chiếc ghe cá nầy, vì tụi nó đang chở người vượt biên”. “Trời! Không lẽ mình sắp bị bắt!” Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu Vũ! Rồi việc gì sẽ xảy ra? Tự nghĩ: Không lẽ số mình sui xẽo đến như vậy! Tiếng chân của nhiều người cùng nhau bước nhanh đi về phía mấy căn nhà sàn cập bờ sông. Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu, với sự hồi hộp, lo âu…Thời gian như ngưng đọng, đóng bang và cái đầu như bị tê liệt! Chắc chắn tất cả mọi người ngồi trong ghe, nghe những lời nói đó đều cùng chung một nổi lo sợ, phập phòng, không biết số phận của mình rồi sẽ ra sao!

Bây giờ chỉ còn tiếng rên rĩ của mấy con vạc sành… Tiếng chặt lưỡi của con thằn lằn đâu đó vọng lại…Bỗng nhiên chợt nghe tiếng bước chân vội vã như chạy tiến đến gần, nhảy lên boong tàu và tiếng nói của anh Dũng vang lên:

“Chín Bồng! kêu anh em cho tàu nổ máy… dọt lẹ!” Tiếng quay máy, tiếng nổ thật dòn bùng vang lên trong đêm đen. Khi tiếng máy vừa lấy trớn nổ đều, anh Chín Bồng đã gài số tới, kéo hết tay ga. Con tàu máy Yanmar 3 [4]đầu xanh 45 mã lực, vừa mới đại tu, chồm lên rẽ nước, tách ra giửa dòng sông, gầm lên, đạt tối đa thủy lực, phả khói đen mịt mù, bỏ lại xóm nhà đàng sau. Những hàng cây bần, cây đước, mọc dọc hai bên bờ sông chạy dạt nhanh lại phía sau. Hai luồng nước lan tỏa ra hai bên, tạo thành những luồng sóng cao cao tạt vào hai bên bờ con rạch. Con tàu len lỏi, luồng lách qua những lùm cây, tìm đường ra cửa biển. Khi nghĩ rằng đã thoát, vì không nghe một tiếng ghe máy nào đuổi theo nên Vũ giở nắp hầm leo lên bong.

Gặp anh Dũng, anh cho biết như sau: “Thằng cha Năm này là dân biên phòng phục viên, tao phải gài độ đi nhậu trong đất của thằng chả, để ở đây Chín Bồng bốc người sang tàu cá. Nhưng vì tui bây làm ồn ào quá, nên khi ghe thằng cha Năm chạy về ngang, người dân ở bên kia sông nói là có nghe thấy tàu cá bốc người vượt biên. Sau đó thì tụi tao gặp chiếc ghe lu và thằng tài công với con Sương bỏ rơi lại. Khi con mẹ Bảy đòi kêu Biên phòng khám ghe. Tao lột chiếc đồng hồ đeo tay và một mớ tiền độ vài trăm ngàn năn nĩ với thằng cha Chín rằng: “Anh hãy để tụi tôi đi vì đây là bạn bè và gia đình tôi thôi. Còn nếu anh giử tụi tôi lại thì tôi sẽ tự sát!” (tao đã ngụy trang như là trên tàu có súng lớn; và thằng chả cũng nghĩ rằng trên tàu mình có trang bị đồ chơi![1]). Tao cũng nói với thằng chả là trước đây tao đã từng làm hợp đồng đánh cá trong QDĐC Tiền Giang. Thằng chả cũng kể chuyện trước đây khi còn làm lính biên phòng, đã bắt ghe vượt biên nhiều lắm. Cấp trên đã lấy tiền vàng của dân vượt biên. Bản thân thằng chả chẳng có được sơ múi gì cả!

Thằng chả nghe tao nói vậy, suy nghỉ một hồi, rồi nói:

“Ừ! Thì anh… đi đi”. Nghe nói vậy tao liền dọt lẹ!”

Con tàu đang chạy gần đến cửa biển, thủy triều đang dâng lên cao nên làm giảm tốc độ của nó. Anh Chín kéo hết tay ga, tăng thêm mã lực lao về phía trước. Vài căn nhà ở lác đác hai bên bờ sông của những người dân đóng đáy tại cửa biển (gọi là đáy sông cầu hay đáy hàng khơi)[2]. Một người đàn ông tuổi độ chừng hơn 30 đang ngồi xổm, lui cui làm gì phía sau nhà, nghe tiếng máy tàu chạy tới, đưa mắt lên nhìn… và biết ngay là tàu vượt biên (vì họ biết chắc chắn không ai đi ra khơi đánh bắt tôm cá vào giờ này!)

Những ngọn sóng cấp 3, 4 gần bờ cũng dữ dội làm con tàu phải nhảy sóng nhấp nhô liên tục. Ầm! Ầm! Từng cơn sóng to bủa tới tấp vào mũi tàu. Đứng trước mũi, tay vịn vào cột tim tàu, Vũ la to:

“Ráng lên, ráng lên! Con chiến mã! Mày phải cưởi sóng tốt để đưa tất cả mọi người đến bến bờ Tự do”. Và Vũ cũng biết rằng, đối với những con sóng nhỏ này đâu có nhầm nhò gì! Vì nó đã từng chiến đấu với cơn bảo tháng 11/ cấp 12 năm vừa qua. Qua khỏi những con sóng bờ một đổi, Vũ nhìn thấy những tấm ván và vật dụng của một con tàu vượt biên nào đó vừa bị chìm đang trôi dạt đó đây… Vũ đưa mắt nhìn quan sát thật kỹ, vùng biển nhấp nhô chung quanh, long hy vọng thấy có ai đó còn sống sót! Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người nào cả! Lòng Vũ chợt chùn xuống, cúi đầu mặc niệm cho những người xấu số đã vùi thây trên đường vượt biển!

Ánh sáng của ngọn hải đăng từ phía Hòn Khoai, đã từ từ mất dạng chìm xuống mặt nước. Anh Chín Bồng bẻ lái đưa con tàu ra xa hơn ngoài hướng Côn Sơn. Anh Dũng kêu Vũ đưa vợ con lên trên cabin. Nơi đây, đã có anh Ngánh, thằng Hùng và Phách mập nằm. Vũ đến ngồi cạnh bên anh Chín tài công. Anh là dân ở xã Vàm Láng[5], huyện Gò Công, đi biển trên 35 năm nay. Hỏi thăm anh cũng biết gia đình Thế Hào, đã từng làm chung với QDĐC [6] ở Tiền Giang. Anh ba Long cũng đang ngồi kế bên. Anh Long trước đây ở bên Liên đoàn 4 Biệt động quân[7]. Anh đã đi biển vài năm nay đánh lưới cào, dạo này đánh bắt thất bát quá, nên anh em không có tiền chia. Lúc ghe anh Dũng ghé mua đồ ăn ở chợ Trà Ôn, anh Chín đã gặp, nên rũ anh Long theo phụ lái. Nghe vậy, anh Long nói với chủ ghe là anh đi cào với anh Chín, rồi nhảy qua ghe này đi luôn!

Ngước nhìn lên bầu trời cũng khá nhiều sao, đêm nay là mùng 9 âm lịch (04/02/1990), nhìn về hướng Tây là một mãnh trăng non, kia là chòm sao Đại Hùng Tinh và Bắc Đẩu nằm bên tay trái của mũi tàu, bên tay phải là sao Thập Tự, bên dưới một khoảng là sao Nam Tào. Anh Dũng đem lại bốn ly cà phê sửa nóng, đưa Vũ một ly, anh hất đầu hỏi:

“Sao mậy, mọi việc ổn hết chứ?”. Vũ vừa hớp miếng cà phê xong, gật đầu nói: Ô kê! Ngồi nói chuyện cũ mới một hồi, nhìn vào đồng hồ đã thấy ba giờ sáng! Ai cũng ngáp và mõi mệt nên muốn đi ngũ. Bây giờ anh ba Long thay tay lái. Anh Chín đã mệt, nên ngã lưng nằm xuống. Vũ cũng thấy thấm mệt nên ngã lưng nằm cạnh bên vợ con, chẳng bao lâu chìm sâu vào giấc ngủ…

2. SAY SÓNG.

Mở mắt ra thì nắng đã lên cao, nhìn đồng hồ đeo tay đã hơn 8 giờ sáng. Vũ đưa mắt nhìn ra bên ngoài khung cửa cabin. Cả một góc nhìn toàn là trời và nước và mặt nước biển màu xanh dương đậm, không nhìn thấy bóng dáng một chiếc tàu nào khác! Biển đang động mạnh! Thân con tàu được sóng nâng lên thật cao, rồi rơi chúi xuống thật mạnh. Ầm! Ầm! Từng khối nước khổng lồ, trắng xóa đập mạnh vào mũi tàu, phũ trùm chụp lên luôn cả cabin. Nước bắn văng tung tóe! Cây ván bên trong thân con tàu vặn mình kêu nghe răng rắc! Nhiều người đã bị say sóng, tiếng nôn ọe, tiếng rên rĩ vang lên…Bên trong cabin, thằng Phách tướng bự như con trâu nằm xẹp lép, bên cạnh đống thức ăn đồ uống mữa lênh láng, thấy Vũ nhìn nó rên rĩ: “Chết con rồi, chú Vũ ơi!” Anh Ngạnh nằm kế bên, cũng lăn lộn ôm đầu kêu: “Chúa ơi! Mẹ ơi! cứu con!” Vũ lấy gàu múc nước biển lên, dùng khăn hốt, lau sạch mấy chổ bị ói! Cởi phăng áo của thằng Phách ra, giặt áo rồi giăng trên dây câu bên hông, cài lại bằng mấy cái nút áo. Sóng càng lúc càng to, con tàu trồi lên, hụp xuống, nghiêng qua, ngã lại theo từng nhịp sóng! (sóng to quá nên anh Chín chạy tàu sóng nghiêng, đở bị sức cản của nước). Đi ngang hầm mũi chị Thủy, vợ chủ tàu hỏi: Có sao không Vũ? Em cũng không biết, nhưng chắc không sao đâu! Vũ trả lời. Anh em trên tàu rất hoang mang, lo lắng, vì be tàu lấp lé mặt nước chỉ còn có một gang tay. Mỗi khi nó bị sóng nhấn xuống, khi trồi lên, nó cứ ì ì... ngóc lên không muốn nổi! Thấy vậy, anh Chín Bồng ra lệnh liệng bỏ tất cả những gì không cần thiết. Hơn ba chục cây nước đá, bị anh ba Long, Mười và Vũ tuôn nhanh xuống biển. Cả giàn miệng lưới cào bạc triệu, bàn cân cá… cùng chung số phận quăng tòm xuống nước!

Một số anh em đang cùng nhau tát nước, vì cao su đệm chổ cây láp của chân vịt bị bể nên nước tràn vô nhiều quá! Mai thợ máy, đang loay quay tìm cách sửa chửa chiếc máy bơm nước hiệu Kohler. Vũ chun xuống hầm máy phụ tát nước. Nước biển hòa với dầu chạy máy, trộn lẫn cùng thức ăn, nước dãi bị ói ra, nổi lềnh bềnh. Mỗi khi đưa thùng nước lên ngang mặt, mùi của nó bốc lên làm Vũ phải nôn oẹ! Tát thêm một chập chừng nữa tiếng, nước cạn ngang cây láp. Vũ kêu Hồ và Mai ngưng tay nghĩ. Và cũng là lúc thấy bụng quá đói! Bước lên bong tàu, vói lấy gàu múc nước biển rửa tay. Ghé lên chổ vợ con nằm. Thy và Tín nôn ói hết, không còn thức ăn, Tín ói chỉ còn ra chất nước màu vàng. Vũ pha nước chanh đường đưa hai mẹ con uống, Thy nói anh tìm trong túi xách lấy mấy miếng sâm đã mua, đưa cho con ngậm. Tội nghiệp thằng nhỏ bị say sóng dữ quá! Nghe Thy nói con ói ra con lãi đủa! Nhưng được cái nết là dù mệt mõi rã rời… Khi ói nó cũng ráng bò, đưa đầu ra ngoài cabin để ói xuống sàn tàu. Vũ bước về sau đuôi lái, lục lọi tìm thức ăn. Cơm nấu đầy nồi mà đâu có ai ăn! Một nồi canh chua chay! (chị Thủy buổi sáng hôm qua đi chợ, mua 9 con cá lóc đem xuống ghe, nói Vũ làm một nữa kho, một nữa nấu canh chua. Vũ nhìn mấy con cá to đen nhánh, quo que mà tâm hiếu sinh chợt nổi lên. Vũ suy nghĩ không biết chuyến đi của mình sẽ như thế nào mà trước mắt phải giết mấy con cá này! Vã lại, từ lâu gia đình Vũ chỉ mua cá chết làm sẳn ở chợ ăn. Nên Vũ liền nói chị Thủy về sự suy nghỉ của mình và khuyên chị nên thả cá phóng sanh[8]. Nghe hợp lý nên chị gật đầu nói: Ừa! thì em muốn làm gì thì làm. Vũ bước sát cửa ghe, đưa tay thả từng con xuống nước vừa đưa mắt dòm chừng xem có người dân nào nhìn thấy hành động của mình không!)

Vũ bới một tô cơm, chan canh chay, ăn vô thấy cũng ngon miệng vì quá đói! Đốt một điếu Jet, Vũ rít thật mạnh hơi thuốc, ém trong buồng phổi một lúc… rồi mới từ từ nhả khói ra. Vừa sảng khoái thưởng thức hơi thuốc thơm vừa đưa mắt nhìn chung quanh. Không thấy bóng dáng một chiếc tàu nào vì anh Chín đã đi không vào lằng (lane) tàu buôn. Vì Anh Dũng nói anh muốn đi xuống hướng Singapore. Vã lại, tàu buôn bây giờ ít chịu ngừng lại rước người vượt biên như trước. Nên con tàu cô đơn của chúng tôi lầm lũi đi về nơi hy vọng…

Cái máy Kohler [9] được Mai, thợ máy vật lộn với nó cả giờ vẫn không hoạt động. Mai nói hệ thống bơm nước không làm việc. Anh Dũng đứng nhìn Mai sửa hoài không được, thấy ngứa mắt quá nên đạp cái máy văng tòm xuống biển! Vậy thì bây giờ chỉ còn trông vào sức người mà thôi!

Sau khi tống mấy chục cây nước đá, bàn cân và miệng giàn lưới cào… (gần 02 tấn) xuống biển. Con tàu giờ phom phom cưỡi sóng thấy mà thương! Anh Chín Bồng điều khiển con tàu với tay lái, không cần nhìn về đàng trước, chỉ nhìn sóng chạy phía sau, anh cũng biết con tàu đi đúng hướng la bàn hay không! Vẫn trời và nước. Không thấy bóng dáng một chiếc tàu lạ nào hết! Không thấy một cánh chim nào. Biển đã dịu lại, không còn động nữa, gió khoảng cấp 4,5. Người ta nói trái đất hình tròn. Ở đây Vũ nhìn thấy phân nữa hình cầu, giống như bầu trời là một lồng bàn[10], chụp lên cái biển nước mênh mông!

“Cá heo! Cá heo!” Tiếng của Mười vừa la lên, vừa chỉ tay bên kia mạn phải. Nhiều người còn tỉnh, không say sóng buột miệng hỏi: Đâu? Đâu? Vũ vội bước nhanh về phía mũi tàu và nhìn xuống mặt nước. Một đàn cá heo trồi lên, hụp xuống, bơi phía trước mũi tàu. Con đực, con cái không phân biệt được! (nhớ lại khoảng năm 1980. Vũ đi theo đánh cá lưới rê, lưới nylon của Nhật Bản, mặt lưới 05cm, chuyên đánh cá Thu, cá Ngừ. Buổi sáng kéo lưới dính được con cá heo khoảng trăm ký. Anh em kéo lên trên sàn tàu. Vũ quan sát thấy đầu nó trọc lóc, mõ nhọn răng dài. Bộ phận sinh dục giống như của đàn bà, nhưng một người bạn nghịch ngợm, nhấn mạnh chung quanh chổ đó một hồi, nó lòi ra cây thịt… giống như cu của con heo. Thì ra đây là con đực! Xương sườn giống như của con người. Thịt màu đỏ, mở vàng như thịt trâu, sã một chục lần nước vẫn còn màu đỏ. Nấu ăn cũng ngon miệng!).

Đàn cá gần chục con, con nào cũng cả trăm ký! Chúng bơi giởn hơn vận tốc của tàu một chút! Thấy vậy anh Chín la lớn: “Nược đua! Nược đua” [11] Không biết có hiểu được tiếng người hay không. Chúng nhào lộn và tạo những tiếng kêu “rít! rít!” trước mũi tàu thật vui tai! Chúng nó bơi theo tàu cũng hơn 20 phút, rồi bơi rẽ sang hướng khác mất dạng.

Mặt trời đã nghiêng chếch về hướng Tây, trên cao không có một đám mây nào cả! Cái nóng đầu tháng Giêng cũng hầm hập làm chảy mồ hôi ướt cả người. Vũ cởi áo ra máng vào dây câu. Con tàu cứ lướt sóng trồi lên hụp xuống. Thỉnh thoảng có mấy con cá chuồn phóng lên mặt biển, bay là đà một khoảng chừng hơn chục thước nhìn xem cũng vui vui… Bổng nhiên có nhiều tiếng uyên náo! Nhiều người khát nước tìm không thấy nước ngọt đâu hết. Bây giờ cả tàu hoảng hốt! Anh Dũng bước đến hầm chứa nước đá thấy trống trơn, buột miệng la lên: “Mấy cha nội quăng hết, không chừa lại cây nước đá nào! Tại sao liệng xuống biển hết dzậy?!”. Ủa! vậy chớ thùng phuy đựng nước ngọt đâu? Anh Chín tài công hỏi. Anh ba Long trả lời: Thùng phuy trống không, cho nó xuống biển rồi! Vậy là hết nấu nướng gì nữa! Cũng may mắn là anh Dũng đã mua hơn chục ký củ sắn. Anh đem chia cho tất cả mọi người! Nắng gay gắt quá làm cho ai cũng uể oải vì thiếu nước uống, cộng thêm gió biển thổi, làm khô hóc cả người! Cả một biển nước mênh mông như vậy mà không uống được…! Vũ múc một ca nước biển, khuấy với đường cát và nặn vô hai trái chanh. Đưa cho mọi người uống thử. Ai uống vô, cũng nhăn mặt chê và nói nước chanh gì mà kỳ cục! Thật khó diễn tả mùi vị của nó!

Mặt trời đang từ từ chìm dần xuống. Những đám mây trắng ở cuối chân trời trở thành màu vàng cam lợt. Những tia nắng chói lọi… cuối cùng từ từ tắt lịm… Một khối màu đỏ lặng lẽ chầm chậm chui vào lòng đại dương! Cảnh hoàng hôn trên biển thật đẹp! Một ngày đã hết! Chỉ còn một vùng sáng cam còn vương vấn lại…Mặt trời lặn trên biển thật đẹp, thật vô cùng hùng vĩ… và Vũ đang mở lòng ra với thiên nhiên! Anh Vũ! Anh Vũ! Tiếng của Mai kêu to kéo Vũ trở về thực tại! Cái gì vậy Mai? Vũ hỏi. Anh phụ anh em tát nước! Nước vô nhiều quá! Xuống hầm máy thì thấy nước ngập ngang cây láp, nước bắn văng tung tóe. Hoàng, Tâm, Hồ đang thay phiên nhau tát nước vừa bị nước văng vô mặt! Vũ cùng anh em tát chừng nửa giờ thì mặt nước vựt thấp xuống qua khỏi cây láp! Mai đã tìm những miếng vải bôi với mở bò, chèn chung quanh cây láp nên nước cũng bớt vô!

Bụng cảm thấy đói nên Vũ đi lục tìm được gói mì tôm, xé bao bỏ vô miệng nhai cho đở cơn đói. Ghé ngang chổ vợ con thấy Thy nằm nhấp nháp miếng khô bò cho đở lạt miệng. Hai mẹ con vẫn bị say sóng nằm dã dượi. Âm thanh của máy tàu vẫn nổ đều đều, con tàu cứ trồi lên hụp xuống, lắc qua lắc lại, trong biển nước mênh mông! Nói về say sóng, thì không thể nào dùng ngôn ngữ nào để diễn đạt cho chính xác hết được. Đó là một trạng thái thật kinh hoàng: “đầu thì nhức như búa bổ, bụng thì trống rỗng vì đã nôn ra không còn chất gì, thậm chí nước uống vào cũng mữa ra tức thì! Tâm trạng thì dã đượi, người thì rã rời! Nhiều người cầu xin Ơn Trên cho được chết đi cho khỏe thân. Tình trạng này phải chịu đựng như vậy ngày này qua ngày khác!” Chuyện kể, có nhiều anh phi công lái phi cơ khu trục hay phản lực ném bom trong thời chiến, nghe người bị say sóng kể lại. Anh ta nói:

“Chuyện đó mà nhầm nhò gì. Làm sao bằng tụi tui nhào lộn trên trời”.

Đến khi xuống tàu vượt biên, ra biển nếm mùi say sóng, mới khóc than:

“Trời Phật ơi! Cứu con! Sao mà con bị khổ như vầy!!!”

vượt biên trốn cộng sản


3. GIÀN KHOAN DẦU [12].

Vào khoảng 9 giờ đêm, anh ba Long đang cầm lái, chợt thấy một điểm sáng lớn trồi lên, hụp xuống theo nhịp sóng biển! Mọi người trên cabin bàn tán xôn xao! Điểm sáng đó là gì? Không ai giải thích được điều này! Anh Chín nói ba Long chỉa mũi tàu về hướng điểm sáng đó! Chạy thêm một giờ nữa, thì đó là khối lửa của giàn khoan dầu! Phải mất thêm một giờ nữa thì mới đến gần. Đây là một giàn khoan dầu. Một khối lửa khổng lồ cháy phừng phừng cao hơn chục mét. Bên cạnh là một chiếc tàu kéo bằng sắt. Khi chiếc tàu cá lại gần tìm cách cập vào tàu kéo. Thì đèn pha trên giàn khoan rọi xuống, rồi tiếng nói của một người bằng tiếng Anh vang lên:

Where are you from?

Mọi người cùng la to: Việt Nam! Việt Nam!

Người đó tiếp tục hỏi:

North or South Viêt Nam?

Trên tàu ai đó trả lời:

South! South!

What do you need?

Lúc đó anh Dũng đã kêu anh Quách Tú ra, nói chuyện với nhân viên trên giàn khoan. Sau khi trình bày với họ là con tàu khởi hành từ Miền Nam, đã không còn lương thực hay nước uống! Họ đã cho con tàu vượt biên cập vào con tàu kéo. Con tàu kéo bằng sắt thật to lớn! Sóng to nhồi con tàu vượt biên bé nhỏ dập mạnh vào con tàu sắt nghe: Ầm! Ầm! Tiếng cây ván kêu răng rắc. Anh Dũng sợ nó dập một hồi chìm ghe nên kêu Anh Chín lái lùi ra xa. Loay quay một hồi. Anh Chín xoay sở cập vào tàu kéo! Họ đã chuyền xuống cho bánh tây lạt (Cracker), mứt (jam), sửa tươi (fresh milk) bằng hộp giấy, nước đóng chai…Sau đó họ hỏi có cần dầu chạy máy không? Vì dầu còn quá nhiều nên chúng tôi không xin dầu! Thì đây là giàn khoan dầu ngoài khơi của nước Malaysia. Họ khuyên nên đi về hướng đất Mã lai gần hơn. Còn nếu đi Singapore thì xa hơn! Họ cho biết hướng la bàn 240 đi vào Mã lai!

Thank you very much! Các ông đã cứu mạng chúng tôi!

Chúng tôi cảm ơn các ông nhiều lắm…Thank you very much…

Con tàu đành phải từ giả những ân nhân tốt bụng để tiếp tục đi cuộc hành trình. Mọi người được nước uống, thức ăn làm tăng thêm sinh lực nên tỉnh táo hơn. Bây giờ có nước pha cà phê nên trên cabin nhiều anh em cùng tham gia. Thuốc lá thơm được đốt liên hồi, tiếng nói chuyện rôm rã. Thy đút cho Tín vài muỗng mứt, nó nuốt chầm chậm, và nó cũng rang uống hết một hộp sữa tươi!

Vũ hỏi thăm: “Con thấy trong người ra sao?

Tín thều thào: "Con mệt quá cha ơi!”

Vũ ngã lưng nằm xuống bên cạnh vợ con. Nhìn ra ngoài và ngước nhìn lên cao. Bầu trời đen kịt, lung linh, lấp lánh muôn triệu vì sao. Thỉnh thoảng một “vì sao băng”[13] bay vụt ngang thật nhanh! Vũ muốn buột miệng ước ao điều gì đó… mà không kịp!

4. ĐẢO RIAU.

Những tia nắng phản chiếu từ mặt nước biển nhấp nhô, lấp lánh, rọi thẳng vào mặt đánh thức Vũ. Nhìn sang bên cạnh vợ con vẫn còn ngủ say. Lồm cồm ngồi dậy, Vũ đưa mắt quan sát nhìn chung quanh: “cũng chỉ trời và nước”. Con tàu với tiếng nổ khi thì vang, khi thì đục. Khi con tàu chồm lên đi trên ngọn sóng ống xả khói nằm trên mặt nước tiếng nổ của nó nghe vang to. Còn đục là khi nó chúi đầu gầm xuống, chịu ngọn sóng đập mạnh vào mũi tàu và ống xả bị chìm trong nước kêu: “ục! ục!”

Bước ra phía trước cabin. Anh Chín Bồng, anh Dũng, và các anh em khác vừa nhâm nhi cà phê vừa nghe kể chuyện kinh nghiệm về nghề đi biển. Anh Chín Bồng đã có 35 năm kinh nghiệm làm nghề biển. Anh bước chân theo cha anh từ lúc 11 tuổi đầu. Từ nấu cơm, phục vụ trên tàu, lớn lên làm bạn, tài cải, tài công… Từ vùng biển Phú Khánh đến Hà Tiên, không vùng biển, cửa biển nào mà anh không biết.

Anh Chín cũng hỏi về chuyến vượt biên năm rồi của Vũ. Vũ cũng kể chuyến đi có 9 người bị bão te tua[14]. Chỉ còn có Vũ, Chín tài công, anh Ngọ ba người thay nhau tát nước đưa con tàu về bờ!

Vũ vừa nghe kể chuyện vừa cúi xuống hầm máy xem nước vô ngập đến đâu. Mai thợ máy đã quấn nhiều lớp vải với mở bò vào chung quanh cây láp. ên nước cũng bớt vô, đở cho anh em khâu tát nước phần nào!

Những hộp bánh lạt của giàn khoan được anh em chém sạch. Thuốc thơm đốt liên tục. Nhiều anh em không đem đủ thuốc lá theo, thấy Vũ có nhiều thuốc hỏi mượn, nói rằng qua đảo sẽ mua trả (mà khi đến đảo chẳng ai nhớ mua trả. Vũ cũng chẳng thèm nhắc lại làm gì)

Nắng đã ngã về Tây khá lâu, có lẽ cũng hơn 2 giờ chiều. Sóng cấp 3, 4 nên con tàu cứ lắc lư, lầm lũi tiến tới. Và nhờ có bàn tay chăm sóc của Mai, máy tàu được chăm nhớt đều nên chạy rất ngon, không một tiếng ho hen, khụt khặt hay nghẹt mũi…

“Đảo! Đảo! Kìa bà con!!!

Tiếng của An với giọng nói thất thanh!

Đâu? Đâu? Tiếng của chị Thủy và nhiều người mừng rở hỏi…

Kìa! Kìa! Mọi người đồng đưa mắt nhìn theo hướng ngón tay của An. Theo nhịp nhấp nhô của con tàu lên xuống, từ xa thật xa mút tầm mắt nhìn… một chấm xám đen hình nón mờ nhạt khi ẩn, khi hiện trên mặt nước biển!

Có người nói: Đâu! Đâu! sao tui không thấy?

Vũ đưa mắt quan sát và nhìn thấy rỏ, nên chỉ cho mọi người xem.

Vũ buộc miệng xác định: Đúng rồi! Đảo đó bà con ơi!

Nhiều người lem luốt vì ói mữa, bị say sóng nằm la liệt dưới hầm cá, nghe nói cũng ráng leo lên bong tàu đưa mắt nhìn xem.

Từ khi thấy bóng dáng của đảo, con tàu dường như có thêm sức mạnh. Thật ra thì anh Chín đã kéo tay ga tăng thêm vận tốc con tàu!

Như vậy mà phải chạy hơn ba giờ nữa con tàu mới chạy cặp vòng đảo. Những hàng dừa mọc hoang dã chen theo vào những khối đá lớn. Bên hướng này không có nhà ở vì hướng gió. Vừa chạy vòng qua bên kia, đã thấy nhà mọc san sát nhau. Không thấy một bóng người. Đàng xa một cầu tàu bằng ciment bắt chạy dài ra biển hơn 50 mét, anh Chín giảm tốc độ và từ từ canh hướng sóng cập con tàu vào. Vũ nhảy xuống cầm dây và con độn bằng vỏ xe để canh cho mạn tàu không va chạm mạnh vào cầu tàu. Sau đó cúi xuống cột dây vào chân cầu.

Mọi người từ từ lần lượt được dìu nhau bước lên cầu tàu. Những bước đi không vững, chân bước đi như bị chân thấp chân cao, hụt hửng. Đó là vì lâu ngày trên biển, đã quen với độ lắc của con tàu theo sóng, bây giờ đi trên mặt đất bằng phẳng, cơ thể chưa được phục hồi vẫn còn mất thăng bằng. Người ta gọi là “say bờ”.

Vài người dân Mã lai tò mò xuất hiện. Anh Quách Tú cố liên lạc với họ, họ không biết tiếng Anh, nhưng cuối cùng thì họ cũng hiểu chút ít và sai một thằng bé chạy đi… Một chập sau chừng tàn điếu thuốc, một người mặc sắc phục màu xanh rêu của quân đội, nhưng trên vai áo có hàng chữ Police màu trắng[15]. Anh Quách Tú trao đổi với viên cảnh sát và sau cùng cho đoàn tàu được biết là họ cho chúng ta ngủ ở đây đêm nay. Ngày mai họ sẽ liên lạc với đất liền. Sau đó viên cảnh sát vui vẽ dẫn mọi người đến một căn nhà sàn thật lớn nói mọi người sẽ ngủ nơi đây.

Chung quanh ngôi nhà có trồng nhiều cây dừa trái nhiều vô số. Nhiều người nói với chủ nhà xin hái dừa (bằng body language), chủ nhà gật đầu mĩm cười. Nhưng cây thì cao chót vót làm cách nào mà hái được, đâu có cây sào nào dài chọt lên tới nơi? Người này đưa mắt dò hỏi người kia như thầm hỏi ai có thể leo hái dừa đây?

Em! Em! Vũ quay đầu lại nhìn xem ai vừa lên tiếng, thì đó là Mười[16], một thanh niên nhỏ con tầm vóc hơi thấp giơ tay xung phong. Sau khi thấy Vũ gật đầu, Mười nhanh chóng bước đến bụi chuối, tay tướt vài bẹ chuối khô, đưa tay bóp vẹp và xoắn cọng chuối, xong đêm nhúng nước. Năm phút sau, nó thắt thành hình tròn, đường kính hơn gang tay. Nó đến gốc cây dừa và tròng sợi dây chuối vào hai cổ chân, hai tay dịn vào thân cây dừa, nó thoăn thoắt leo lên nhanh như một con khỉ, một chập đã lên đến mấy buồng dừa.

Bịt! Bịt! Bịt… những trái dừa được Mười xoắn cuốn, rơi nhanh xuống đất. Cả chục trái nằm lăn lóc trên mặt đất. Vũ tay cầm sẳn cây búa chặt củi, chém vài nhát vào vỏ và vạt miệng trái dừa. Xong đưa cho người đứng gần nhất. Mọi người uống nước dừa thả dàn, tiếng nuốt nước ừng ực. Vũ chặt một trái đưa cho vợ, Thy đưa cho cu Tín uống. Xong Vũ chặt trái dừa làm đôi, Thy dùng muỗng múc cơm dừa cho con ăn.

Trên cao, Mười vọng tiếng xuống:

“đủ chưa anh Vũ?”.

Vũ nhìn chung quanh ai ai cũng uống nước no nê. Và họ lắc đầu, ngầm ý cho biết là đủ rồi. Vũ cất tiếng trả lời với Mười:

“đủ rồi”

Mười nghe nói đủ rồi, liền tuột từ từ xuống.

Trong khi đó nhóm chị Thủy lo chuẩn bị nấu cơm. Họ mượn được cái chảo của chủ nhà, liền chiên lạp xưỡng. Khi trả cái chảo lại. Chủ nhà biết là đã chiên lạp xưỡng. Họ đem cái chảo liệng bỏ (vì người theo đạo Hồi không ăn thịt heo. Đối với họ: ‘heo là con vật dơ bẫn!’)

Anh Chín Bồng vì chỉ đi có một mình nên anh cùng các anh em độc thân khác sau khi ăn cơm xong, lục đục kéo xuống tàu ngủ. Vì họ phải canh thủy triều lên xuống (nếu không canh nước lớn ròng, nhiều khi nước xuống, ghe mắc kẹt vào dưới gầm cầu, khi nước lớn ghe sẽ bị chìm!)

Mấy ngày nay ăn bậy bạ, ăn củ sắn, bánh lạt, có khi nhai mì gói sống… Chiều nay được ăn cơm nóng với lạp xưởng, Vũ cảm thấy ngon miệng quá!

Đêm nay được nằm ngủ trên mặt sàn nhà, kế bên là vợ con, nhưng thật là khó ngủ vì đầu óc cứ suy nghĩ, lo lắng về ngày mai sẽ như thế nào… Nhớ lại chiều nay khi ghe cập vào cầu tàu, có một ghe cá của người địa phương cặp sát kế bên. Họ thấy biết là tàu vượt biên của Việt Nam. Khi thấy con dao lớn bản nằm trên mui họ liền hỏi xin. Vũ liền hỏi ý kiến anh Dũng. Anh Dũng bảo cho họ đi… Rồi cơn buồn ngủ cũng đến kéo Vũ chìm sâu trong mệt mõi, rã rời…

“Vũ! Vũ! dậy uống cà phê nè!” Tiếng của anh Dũng kéo Vũ ra khỏi giấc ngũ chập chờn. Lồm cồm ngồi dậy, bước ra khỏi nhà sàn, đưa mắt tìm thấy thùng phi nước sạch bên hông nhà, Vũ đưa tay cầm chiếc ca bằng nhựa, giở nấp thùng ra, múc nước rữa mặt.

Bước vào nhà thì vừa lúc đó viên cảnh sát cũng vừa tới. Anh ta nói chuyện với anh Quách Tú. Sau đó anh Quách Tú thông dịch lại cho mọi người biết rằng: “vì không thể có tàu cảnh sát ra đảo đón mọi người” nên mình sẽ chạy một mình vào đất liền.

Viên cảnh sát lấy giấy viết ra vẽ và nói rằng: “các anh sẽ chạy khoảng 04 giờ sẽ gặp ba hòn đảo nhỏ giống như đảo này. Sau đó các anh chạy thêm khoảng 3 giờ hay hơn tí xíu sẽ thấy đất liền. Khi vào đến đất liền sẽ có đơn vị cảnh sát đón các anh. Chúng tôi đã liên lạc với nhau rồi!”

Nhìn vào đồng hồ của viên cảnh sát kim chỉ gần 9 sáng. Anh Dũng kêu mọi người chuẩn bị xuống ghe. Mọi người chào từ giả chủ nhà và viên cảnh sát sau khi nói lời cảm ơn.

Con tàu từ từ tách rời khỏi cầu tàu…Trên bờ, chủ nhà và đứa con gái nhỏ cũng ra đến cầu tàu đưa tay vẫy vẫy chào tạm biệt. Cảm ơn những người bạn Mã Lai tốt bụng, đã cho chúng tôi ngủ nhờ và giúp đở ban đầu trên con đường đi tìm Tự Do.

Anh Chín giờ này tươi tỉnh ngồi nhâm nhi cà phê, tiếp tục kể chuyện cuộc đời đi biển của anh. Bên cạnh là chị Hai, chị của anh Ngánh (chị chồng của chị Trí ‘vai vế cô của Milou’).

Mới đó mà đảo Riau đã mất dạng sau cuối đuôi tàu. Ánh nắng chói chang với sức nóng hầm hập như muốn làm cháy da vào buổi trưa tháng giêng này. Biển vẫn xanh đen một màu, bầu trời cũng xanh lơ, một vài đám mây trôi lảng đảng, thỉnh thoảng một vài con cá chuồn phóng mình ra khỏi mặt nước, bay là đà một khoảng không rồi chìm xuống lòng đại dương mênh mông. Con tàu vẫn lắc lư theo nhịp sóng cô đơn tiến tới, khi nghiêng qua bên này, rồi nghiêng trả lại bên kia, trồi lên rồi hụp xuống, cũng tiếng máy ì ì, có khi nghe ọc ọc, vì sóng nước đánh vào miệng ống khói xả.

5. ĐẤT LIỀN.

Khi con tàu chạy qua khỏi ba hòn đảo, anh Chín chạy cập dọc sát đảo. Thì đây là đảo hoang, chỉ thấy những tảng đá lớn và những đám dừa hoang mọc. Những cây dừa cao lêu khêu phải hơn 15, 16 mét, trái khô rụng đầy chung quanh gốc.

Trời đã ngã về chiều, ánh nắng không còn gay gắt nữa, cũng là lúc nhìn thấy một vệt dãy đất màu xám xịt nhấp nhô ẩn hiện dần trong tầm mắt. Nhưng phải chạy hơn 3 giờ nữa thì mới thấy những hàng cây xanh. Toàn là rừng đước mọc san sát. Chạy thêm hơn nữa giờ, nhà cửa building dần dần nhìn thấy rõ. Nhiều xe hơi chạy trên con đường tráng nhựa cập bờ biển. Đây là một bãi tắm du lịch, có bãi cát dài khá đẹp, thiên hạ đang rục rịt kéo nhau đi về phía bãi xe đậu. Anh Chín đang tìm một chổ để cập ghe vào. Khi thấy một bãi đất bồi cạnh con lạch, anh cho ghe giảm tốc độ và anh Dũng, anh Quách Tú nhảy xuống nước lội vào bờ. Anh Chín chạy ghe ra ngoài xa xa và bảo anh em liệng neo xuống.

Ùm! Cái mỏ neo khoảng 20 kg, được hai người khiêng, thảy chìm xuống nước, ghe cày lướt đi một đoạn và ghì trớn con tàu lại. Khoảng 30 phút sau, anh Dũng đứng trên bờ đưa tay vẫy vẫy. Anh Chín cho kéo neo, và chạy vô rước anh Dũng và anh Quách Tú. Anh Quách Tú đã liên lạc được với bên cảnh sát, họ nói đã có sẵn phòng ngủ ở khách sạn và đang chờ đón nhóm người VN.

Nhưng bây giờ, không làm cách nào để cập ghe về phía bên tay trái, vì dòng chảy từ bên trong đổ ra quá mạnh. Con tàu tống hết mã lực, khói đen phun mù mịt, nhưng bị nước đẩy dạt qua bên tay phải của con lạch. Anh Chín xoay xở cập con tàu vào, thì có một người lính Mã lai, mặc đồ rằn ri như Biệt Cách Nhảy Dù, đứng trên bờ nói vọng xuống bằng tiếng Anh. Anh Quách Tú dịch lại rằng: Họ không cho tàu cập vô chổ này. Nghe vậy anh Dũng bàn với anh Chín chạy tàu ra ngoài bàn tính và cuối cùng tìm ũi vô để bỏ ghe.

Anh Chín chạy tìm bãi cát và tống thêm ga, con tàu chạy trườn lên và dính vào bãi cát. Anh Chín gài lại số, de ra, nó vẫn không nhúc nhích. Anh kéo hết tay ga, khói đen phun mịt mù, nó cũng nằm im re. Nó đã bị vướng lên cồn cát rồi!

Và mọi người lục đục lấy hành trang cùng leo xuống ghe. Nước chỉ hơn lung quần tí xíu. Trong lúc mọi người đang lần lượt lên bờ thì một chiếc xe Dodge màu nhà binh xuất hiện và trên xe chất đầy lính rằn ri.

Một viên sĩ quan nói chuyện với anh Quách Tú ra lệnh tập hợp tất cả mọi người trên bãi biển, xếp thành hai hàng, đàn ông và đàn bà riêng rẽ. Và họ đưa cho mỗi người một tờ giấy đã in sẳn có những hàng tiếng Anh như sau:

- Họ và tên.

- Ngày tháng năm sanh.

- Từ nước nào đến và muốn đi nước nào.

- Tất cả mọi người ai cũng phải điền vào. Ai có thân nhân ở đâu thì ghi vô. Người thì đi Mỹ, người thì đi Úc… (mọi người rất sung sướng vì vừa mới đặt chân lên bến bờ đất nước tự do đã được cho ghi danh sách và địa chỉ thân nhân!)

Màn đêm đã buông xuống từ lâu, trên đường lộ, ánh sáng từ những chiếc đèn chiếu sáng đã lên đèn. Xe cộ lưu thông không nhiều lắm (có lẽ đây không phải là thành phố lớn). Sau đó trưởng toán nhóm lính rằn ri kêu ba người, trong đó có anh Ngánh, Phách và Vũ, leo lên xe Dodge, có hai người lính mặc đồ rằn ri, trang bị M18 ngồi đàng sau. Không biết hai người kia tâm trạng đang như thế nào? Chứ riêng Vũ cảm thấy lo sợ, không biết lành dữ ra sao, họ có đem mình đi bắn không? Xe chạy chừng mười phút, ngừng lại một bãi đất trống. Họ bảo ba người đi lượm, hốt phân bò. Xong khiêng tấm bạt lớn bằng vãi màu nhà binh trãi ra. Khoảng thời gian chừng hút tàn một điếu thuốc lá, chiếc xe GMC chở hết đòn tàu đến. Gặp lại vợ con, Vũ và anh Ngánh đều mừng rở. Mấy người kia cũng lo lắng nói: “tụi này không biết họ chở mấy ông đi đâu, lo quá!” Bây giờ thì mọi người đều cảm thấy yên bụng, hết lo âu. Mấy người lính đi theo bảo mọi người đi ngủ. Nằm ngữa nhìn lên trời, bầu trời đầy sao lung linh lấp lánh, Vũ không biết ngôi sao nào là ngôi sao bổn mạng của mình!

Sáng hôm sau, anh Tú liên lạc được với mấy anh lính. Đây là lực lượng Task Force[18]. Giống như lực lượng TQLC của VNCH ngày xưa. Nhưng họ được huấn luyện tinh nhuệ hơn. Và Mã Cộng rất sợ phải đụng độ với lực lượng này!

Anh Quách Tú thông dịch lại:

“Ai muốn mua thuốc lá hay cà phê gì thì gởi tiền họ mua dùm”. Vũ đưa 05 phân vàng nhờ mua đường, cà phê, bánh lạt và thuốc rê.

Vài anh lính đem mấy cái xẽng đến và con dao đi rừng. Họ kêu mấy thanh niên trong đó có Vũ đi theo đến sát vào bờ rừng. Họ bảo đào mấy hố để làm cầu tiêu. Vũ cùng Hồ chặt mấy cây rừng to bằng hay lớn hơn cườm tay, sau đó đi cắt tranh dựng vách che và làm chổ ngồi chung quanh.

Buổi trưa, họ chở cơm hộp phát cho mỗi người. Mỗi phần có cơm trắng và cá biển kho với cà ri. Họ kho cá thật lạt lẽo. Nhưng đâu ai dám chê một lời. Có ăn là may mắn quá rồi!

Ở nơi đây được hai đêm. Buổi trưa có lệnh dọn dẹp chổ ở cho sạch sẽ. Mấy anh lính đưa cho một số bao đen bằng plastic để bỏ rác vào và yêu cầu lấp tất cả các hố cầu tiêu.

Khoảng chừng 2 giờ chiều, một xe GMC 10 bánh màu nhà binh chạy đến. Tất cả mọi người lần lượt lên xe. Sau đó xe khởi hành. Xe chạy với tốc độ cao. Ở đây họ chạy bên lề trái, vì Mã Lai có thời là thuộc địa của Anh quốc. Xe chạy băng qua bao nhiêu xóm làng, nhà cửa thật khang trang, sạch sẽ. Có khi qua nhiều đồi núi, có lẽ chạy hơn 200 km, mất khoảng 3 giờ thì đến nơi.

6. VƯỜN ĐIỀU [17].

Ở đây là một khu vực vắng vẽ, không có nhà dân và nằm khuất trong một khu rừng cây. Thấy những bàn ghế làm bằng cây rừng đã có sẳn, như vậy ở đây đã có người ở rồi. Họ đưa cho một cái lều lớn và chỉ cách dựng lên.

Có vài người ở kế bên bước sang hỏi thăm:

- Người Việt hả?

- Ờ! Người Việt.

- Mấy anh ở đây lâu chưa?

- Gần một tháng rồi.

Thì ra ở đây đã có mấy chiếc tàu đến trước rồi!

Sau khi dựng lều xong, một viên thiếu úy còn trẻ bước đến hỏi gặp team leader. Anh Quách Tú bước ra. Viên sĩ quan này hỏi thăm và sau đó có thêm mấy anh lính đi vào trong lều đến chổ mấy cô gái (ý muốn toan tính thả dê…)

Vũ thấy lính Mã Lai có ý định muốn chọc ghẹo mấy cô gái tàu mình. Vũ lo sợ rằng tụi này sẽ làm chuyện bậy bạ nên có hành động như kỳ đà cản mũi (vì lúc chiều nay đám lính đã lén nhìn nhóm đàn bà tắm), và Vũ đang đứng sớ rớ ngay chổ mấy cô gái nên làm cho mấy tên lính Mã Lai bực bội.

Tên sĩ quan thiếu úy thấy vậy hỏi Vũ:

- Who are you?

Vũ vội trả lời:

- I am refugee.

Tên sĩ quan sổ một tràng tiếng Anh với giọng gay gắt bực bội! Vũ nghe không hiểu gì hết! May nhờ có anh Quách Tú nghe lùm xùm chạy đến và thông dịch rằng:

“Tôi có thể đá anh văng vô rừng; hay bắn anh rồi vứt xác anh trong rừng. Anh đâu phải là người tỵ nạn hiểu chưa?”

Nghe anh Quách Tú thông dịch lại như vậy. Vũ nghe hoảng quá nên gật đầu đi về chổ ngủ, ngã lưng nằm xuống bên cạnh vợ con rồi ngủ thiếp đi!

• ĐOẠN KẾT.

Sau khi ở vườn điều Mã lai được 10 ngày. Tất cả 5 chiếc tàu nhập chung lại xuống hai con tàu đánh cá của VN (tàu của những thuyền nhân đến từ năm trước bỏ lại). Được tàu chiến hải quân Mã Lai kéo ra đến giữa hải phận của hai nước Singapore & Malaysia. Sau đó họ chỉ cho hướng la bàn để lái về phía Nam Dương.

Khi hai con tàu vào gần bờ của Nam Dương. Cảnh sát Indonesia đã chạy canoe ra, hỏi thăm và dẫn đường chạy cặp vào cầu tàu thành phố Pinang. Chúng tôi phải ngủ lại đây một đêm.

Sáng hôm sau, một chiếc tàu sắt của cao ủy cập cầu tàu gần đó. Viên chức cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đến và nói chuyện cùng anh Quách Tú. Sau đó tất cả thuyền nhân chuyển sang tàu sắt của Cao ủy. Tàu chạy qua qua nhiều hòn đảo, sau nhiều giờ tàu cập vào cầu tàu đảo Galang. Mọi người lên gặp toán người Việt khai báo họ và tên, địa chỉ cư trú ở VN, nghề nghiệp trước năm 1975, thân nhân ở nước ngoài…

Tất cả 05 chiếc tàu tổng cộng là 287 người. Sau đó xe chở vào khu Quarantin – khu biệt lập, barrack 37, 38 thuộc Block 1, zone A, Galang 2. (19). Nhập trại ngày 22 tháng 02 năm 1990.

Bao gồm các tàu:

1. Boat KJ 159 / (cặp cảng Ki Jang) 159 người, tàu anh Đoàn Bá Chưởng cựu quân nhân Không Quân.

2. Boat TG 1042 TS / tàu của Vũ 32 người xuất phát từ Tiền giang.

3. Boat TP 26 – Tanjung Pinang 26 người, tàu chú 6 Nguyễn Văn Ngãi (thường gọi là Ông Sáu già) Không Quân.

4. Boat TP 59 - Tanjung Pinang, tàu anh em Ngô Ngọc Lợi, 59 người

5. Boat TP 11 Tanjung Pinang, tàu của Ngô Thị Trang (Trang quyết tử) 11 người.

Từ đây, bắt đầu cuộc sống mới của những người tạm dung – asylum seekers …

DOA 02/21/1990 (nhập trại tỵ nạn ngày 22/02/1990 nhưng ngày đặt chân đến đất nước Indonesia là 21/02/1990)

- Boat TG 1042. TS

Tàu 32 người đến từ Tiền Giang (tàu của Vũ 32 người gồm có 23 form. Gia đình Vũ là form chót.

Sau khi cuộc biểu tình "chống cưỡng bức hồi hương và đòi quyền tỵ nạn" kéo dài 179 ngày bị giải tán. Tuần lễ sau Vũ bị bắt đưa sang nhốt ở Tahanan, Tanjung Pinang. Bảy tháng sau Thy và Tín được đưa sang đoàn tụ trong tù. Gia đình Vũ cuối cùng bị cưỡng bức về đến VN bằng chuyến tàu chót ngày 05 tháng 9 năm 1996.

Ngày 08 tháng 8 năm 2003 Vũ và vợ đã được định cư diện ODP.

Portland, Oregon ngày 06 tháng 6 năm 2006.

Nhớ lại những năm tháng ở trại tạm dung Galang, Nam Dương.

Trung Vũ

Thư tư xin liên lạc email:trungvudhammasila@gmail.com

P/S- Theo như nhà văn Duyên Anh miêu tả cuộc sống của thuyền nhân trong trại tỵ nạn Bidong, Malaysia, của ông với tên sách là:

“Trước Ngưỡng Cửa Thiên Đường”

Trại tỵ nạn (refugee), thuyền nhân được công nhận là người tỵ nạn, sau đó được đi định cư đến nước thứ ba.

Trại tạm dung (asylum seekers), thuyền nhân được cho tạm trú, sau đó bị đưa trở về lại Việt Nam.

- Theo tài liệu của Hội Cứu Người Vượt Biển - Boat People SOS của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thì từ năm 1976 – 1991 đã có trên 600.000 người mất tích trên đường vượt biên (bị cướp bóc, giết chết trong rừng, làm mồi trong bụng cá hay bị hải tặc hãm hiếp, giết chết quăng xác xuống biển)!

CHÚ THÍCH

1. cây tràm là một loại cây mọc ven vùng duyên hải, chịu được nước mặn, thường dùng để đóng cọc, để xây móng, để xây nhà.

2. ghe lu:một loại ghe bầu khoảng 20 giạ dùng để chuyên chở lúa hay nông sản từ các địa phương lên các quận, tỉnh hay thành phố buôn bán, chỉ chạy trong sông, rạch, không thể đi biển được!

3. Biên Phòng: là lực lượng công an canh gát các cửa biển, thường có các trạm kiểm soát các phương tiện đi đánh bắt thủy sản hay các phương tiện đường thủy phải xuất trình giấy tờ khi xuất nhập cửa biển.

4. Yanmar là một trong những thương hiệu động cơ máy thủy lực của Nhật Bản – Japan nhập cảng trước năm 1975, đồng bào sữ dụng trên các phương tiện ghe tàu trên sông nước miền nam.

5. QDĐC: Quốc Doanh Đánh Cá: Đội tàu thuyền đánh bắt thủy sản do nhà nước thành lập (đầu tiên họ sử dụng tàu thuyền của các nhà buôn vượt biên ra nước ngoài bỏ lại).

6. Đáy sông cầu hay đáy hàng khơi là một dụng cụ bắt cá gần ngay cửa biển hay ngoài khơi bờ biển. Người dân đóng những cọc cây tràm to sâu xuống mặt đất, họ kéo chằng các dây chung quanh và hai cọc cách khoảng rộng trên 5 mét làm miệng đáy. Khi thủy triều lên họ đóng đáy xuống, cá tôm theo dòng nước bơi vô miệng đáy. Thủy triều xuống họ ra mở đáy. Đôi khi họ cất chòi ở trên miệng đáy ngoài khơi cho tiện việc làm ăn.

7. Năm 1989 có cơn bảo cấp 12 đổ bộ vào vịnh Thái Lan, nhiều tàu cá bị đánh chìm. Chính Vũ đã cùng mấy người nữa vượt biên, nhưng một phần vì sóng to và một phần chưa muốn đi nên tụi Vũ phải quay về sau ba ngày đêm vật lộn cùng cơn bảo!

8. Vàm Láng, một cảng cá có nhiều ghe tàu đánh bắt thủy sản thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

9. Biệt Động Quân: lực lượng tinh nhuệ trong quân độ Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị lớn nhất là Liên đoàn (có nhiều liên đoàn trong mỗi quân khu), không có Sư đoàn như những binh chủng Sư Đoàn Nhảy Dù hay Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến khác.

10. Từ lúc quy y với đại đức Giác Chánh (hệ phái Nguyên Thủy – Therevada) tại chùa Thiền Quang, Long Thành vào năm 1984 và thọ trì ngũ giới tới nay. Từ từ Vũ khuyên gia đình không mua động vật còn sống và trực tiếp sát hại chúng nữa!

11. Kohler là một thương hiệu máy bơm nước và các động cơ thủy lực nổi tiếng của Hoa Kỳ do John Michel Kohler và Charles Silberzahn thành lập từ năm 1873 tại Sheboygan, Wisconsin.

12. Một dụng cụ bàn ăn thường đan bằng tre (sau này làm bằng nylon) dùng để chụp lại, che đậy thức ăn để chống lại côn trùng như ruồi muỗi.

13. Dàn khoan dầu ngoài khơi dọc theo vùng biển đông của các nước VN, Phillipin, Malaysia và Indonesia… dung để khai thác khí đốt và dầu mỏ.

14. Sao băng có thể là một phi thuyền UFO (Unidentified Flying Objects) của người ngoài hành tinh đang di chuyển với tốc độ cao hơn vận tốc của ánh sáng (# 300 ngàn km/giây).

15. Trong chuyến đi năm 1989 này có Trần Minh Hùng (em ruột của anh Dũng), anh Thân cựu đại úy cảnh sát bị cải tạo 9 năm (năm 1989 chưa có chương trình HO), anh Ngọ, anh Chính (tài công)… Nhờ bị bảo nên tàu quay trờ lại VN, và nhờ vậy nên anh Thân được đi HO năm 1991 cùng vợ con (anh đã gởi tiền giúp đở gia đình chủ tàu lúc ở trại tỵ nạn Galang), và cũng nhờ vậy mà chuyến đi này (tháng 02/1990), mà tất cả vợ con của gia đình anh Dũng và vợ con của Vũ được đi theo cùng!

16. Lê Văn Mười gốc ở Bến Tre, là người thợ máy của chú 6 Hoanh, đi theo xe chở người vượt biên, xuống Cái Bè nhảy theo nên không tốn tiền. Khi qua trại không thân nhân, nhờ những tấm lòng nhân ái của những thuyền nhân ở trại, đã giúp đở đi bán đậu hủ kiếm sống. Sau khi không được công nhận là người tỵ nạn chính trị (thật ra các papa phỏng vấn, thanh lọc cho có hình thức; các papa phải tốn tiền mua chức vụ trên đảo, nên khi có dịp lấy lại. Lúc đầu thanh lọc papa chỉ lấy có 1000 USD một form, sau đó thiên hạ tranh nhau đút lót nên giá cả tăng nhanh. Có người qua thành phố Tanjung Pinang lo cho papa Win 20 ngàn đô nhưng vẫn bị đưa về lại VN vì đã quá trể (trường hợp của út rừng khu biệt lập. Anh của em là porker thắng giải hơn trăm ngàn đô ở Las Vegas, có đăng trên báo Mỹ). Khi chương trình hồi hương mở ra Mười đã đăng ký về lại VN năm 1993.

17. Vườn Điều, một trong những nơi tập trung thuyền nhân Việt trên đất Mã Lai.

18. Task Force một đơn vị tinh nhuệ của quân đội Malaysia được huấn luyện và trang bị vũ khí tối tân như binh chủng TQLC của Hoa Kỳ. Và Mã Cộng rất sợ phải đụng độ với đơn vị này!

19. Trại Tỵ nạn Galang, thuộc nước Nam Dương – Indonesia thành lập năm 1979 và đóng cửa ngày 30 tháng 6 năm 1996. Có hai trại là Galang 1 và Galang 2. Mỗi trại đều có bệnh viện, nhà thờ, chùa, chợ, quán ca phê và rạp chiếu phim. Thời điểm cao trào nhất chứa hơn 21 ngàn người (tháng 8/1991).

Anh Dũng nói mấy anh em gát một khúc gổ bên ngoài trùm vãi bạt lên nhìn giống như hình dáng một cây súng đại liên.

- Ngày 17 tháng 3 năm 1989 cao ủy LHQ đã họp hơn 70 nước để mở ra chương trình CPA - Comprehesive Program Action, quyết định sau ngày này, thuyền nhân nào đến trại cũng phải trãi qua cuộc thanh lọc – Screening để xét xem có được công nhận là tỵ nạn chính trị CS hay không! Sau đó cao ủy đã mở ra chương trình tự nguyện hồi hương (1991). Bên cạnh đó các viên chức sở tại đã bất công trong việc phỏng vấn (ăn tiền hối lộ, gái đẹp…) và thuyền nhân đã bất mãn, phẩn nộ, đưa đến nhiều vụ tụ thiêu, tự sát là nguyên nhân đưa đến những cuộc biểu tình chống cưỡng bức hồi hương và đòi quyền tỵ nạn xãy ra trong các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á 1992 – 1994. Riêng trại Galang đã biểu tình (suốt 179 ngày đêm) từ ngày 20 tháng 4 năm 1994, có hai người tự thiêu chết, hơn 40 người đâm bụng tự sát và hơn 2000 người tham gia tuyệt thực ngất xĩu. Sau đó ngày 16 tháng 10 năm 1994, chánh quyền sở tại đã huy động hơn hai ngàn CSDC (cảnh sát dã chiến chống biểu tình), chó săn, đã bắn hơi cai dẹp cuộc biểu tình. Hơn 200 người đã bắt đi nhốt ở nhà tù Tahanan, trại tù Imigrasi, trực thuộc thành phố Tanjung Pinang.

Trước khi đóng cửa trại tỵ nạn, cao ủy có chương trình ROVR - Resettlement Opportunities For Vietnamese Returnees từ tháng 4 - 6/1996. Ngày 30 tháng 6 năm 1996, cao ủy LHQ và chánh quyền Nam Dương đã chính thức làm lể đóng cửa trại Galang. những người còn lại đã bị cưỡng bức về bằng năm chuyến tàu về cảng Cát Lỡ, Vũng Tàu.

Những thuyền nhân trở về lại quê nhà đã có cuộc sống khó hội nhập, gia đình tan nát đổ vỡ, bị hội chứng trầm cảm!

The lucky boat peoples who participate in the ROVR program have brought their families to settled in the United States and have had a better life!

(gia đình Tín, con trai của Vũ đã được định cư đoàn tụ cùng cha mẹ ngày 08 tháng 4 năm 2023!)

dịch văn bản hán nôm gia phả


Mới hơn Cũ hơn