ĐỜI I
ÔNG BÀ TỔ HỌ PHẠM
Hai mộ đất của ông, bà tổ họ Phạm tại xã Nhơn Thạnh
Cho đến nay, chưa ai biết ông bà tên gì, theo những khảo sát trong phần phả ký, chỉ biết rằng ông bà di cư vào xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào khoảng thời gian của triều đại Thiệu Trị nhà Nguyễn. Không biết rõ ông bà có bao nhiêu người con, nhưng có hai người con trai sinh ra hậu duệ lưu truyền đến nay đó là ông Phạm Văn Vân và ông Phạm Văn Hậu.
Ông Phạm Văn Vân xây dựng cơ nghiệp ở vùng đất thuộc xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Còn ông Phạm Văn Hậu ở lại xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, nơi mà vị Tổ họ Phạm đặt chân đến trong quá trình di cư từ miền Trung vào.
Mộ của ông bà tổ là hai chiếc mộ đất trước nhà ông Phạm Hoàng Minh thuộc cánh ông Phạm Văn Hậu hiện ở xã Nhơn Thạnh.
Năm sinh, năm mất của ông bà không ai còn nhớ, hiện nay ngày giỗ tưởng niệm ông bà Tổ được tổ chức ở Nhơn Thạnh vào 19 tháng 12 âm lịch hằng năm, đó cũng là ngày tảo mộ của họ Phạm cánh xã Nhơn Thạnh.
Như vậy ông tổ họ Phạm có hai người con sinh con cháu đông đúc tạo thành họ Phạm ở hai xã Nhơn Thạnh và Phước Long của huyện Giồng Trôm. Do điều kiện chưa cho phép, phả hệ của gia phả này chỉ đề cập đến con cháu từ đời II của cánh họ Phạm ở xã Phước Long, tức hậu duệ của ông Phạm Văn Vân - một trong hai người con trai của vị tổ họ Phạm có tổ quán ở xã Nhơn Thạnh của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
ĐỜI II
ÔNG PHẠM VĂN VÂN VÀ BÀ VÕ THỊ ĐỪNG
Mộ ông Phạm Văn Vân (phải), mộ bà Võ Thị Đừng (trái)
Cho đến thời điểm tiến hành dựng bộ gia phả này (tháng 4-2005), con cháu vẫn chưa biết tên của ông bà. Mộ của ông bà hiện tọa lạc ở đồng mả của dòng họ ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, mộ được tôn tạo lại bằng xi-măng vào năm 1990. Trên bia mộ của ông chỉ ghi là “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư”, trên mộ bà ghi “Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”.
Qua khảo cứu một số tư liệu chúng ta biết được rằng ông tên là Phạm Văn Vân, sinh năm 1848 và bà là Võ Thị Đừng (xem phần phả ký).
Cha mẹ cùng người em trai ở lại xã Nhơn Thạnh, nhưng ông lại sang sinh cơ lập nghiệp ở xã Phước Long và sinh con cháu tạo nên cánh họ Phạm đông đúc tại đây.
Giỗ ông ngày ……………, giỗ bà ngày ……………
Ông bà có 6 người con như sau:
- Thứ hai : chết nhỏ
- Thứ ba : Phạm Văn Lại
- Thứ tư : Phạm Thị ...
- Thứ năm : Phạm Văn Mùa
- Thứ sáu : Phạm Văn Dư
- Thứ bảy : Phạm Thị Giác
ĐỜI III
CÁC CON CỦA ÔNG PHẠM VĂN VÂN VÀ BÀ VÕ THỊ ĐỪNG
2. CHẾT NHỎ |
3. PHẠM VĂN LẠI | ... |
Mộ ông bà Phạm Văn Lại
Ông Phạm Văn Lại là con thứ ba của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Ngày xưa ông bà ở tại Cây Dầu, ấp 4 xã Thạnh Phú Đông, cả hai ông bà làm vườn. Giỗ ông ngày nay do người cháu cố Phạm Văn Phết (con ông Phạm Văn Tây, cháu nội ông Phạm Văn Chữ) lo liệu, còn giỗ bà do người cháu cố Phạm Văn Mi (con ông Phạm Văn Tháng, cháu nội ông Phạm Văn Chữ) giỗ.
Các con là:
- Thứ hai : Phạm Văn Sách
- Thứ ba : Phạm Văn Sử
- Thứ tư : Phạm Văn Chữ
- Thứ năm : Phạm Thị Đề
- Thứ sáu : Phạm Văn Ngân (chết nhỏ)
- Thứ bảy : Phạm Thị Nga
- Thứ tám : Phạm Văn Đậu
- Thứ chín : Phạm Thị Sương
4. PHẠM THỊ ... |
Theo lời bà Ba Vít, một trong những người lớn tuổi nhất hiện nay của cánh họ Phạm ở xã Phước Long, bà nói rằng người con thứ tư của ông Phạm Văn Vân là một người con gái, có chồng con, nhưng hiện nay không biết rõ con cháu.
5. PHẠM VĂN MÙA | ĐOÀN THỊ MÓT |
Mộ ông Phạm Văn Mùa (trái), mộ bà Đoàn Thị Mót (phải)
Ông Phạm Văn Mùa là con thứ năm của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Ông sinh trưởng tại Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre. Lớn lên ông được cha mẹ phân chia cho ruộng đất để sản xuất nhưng vì vợ ông là bà Đoàn Thị Mót mất sớm để lại đàn con côi cút.
Vào năm 1923 ông đã đưa các người con tìm xuống vùng Cà Mau vừa để tránh giặc Pháp cũng vừa tìm đất khẩn hoang ở Đầm Dơi, Cà Mau. Có thể xem ông là một trong những người đi tiên phong trong việc khai phá vùng đất mới này. Khi công cuộc khẩn hoang ổn định, vì tuổi già sức yếu và cũng vì nỗi nhớ cố hương trỗi dậy sau hàng chục năm xa cách nên ông quyết định quay trở về Bến Tre sinh sống tại nhà người cháu là ông Phạm Văn Tường cho đến lúc qua đời mà vẫn không gặp mặt được con cháu.
Vì điều kiện đi lại lúc đó rất khó khăn nên những người con của ông tại Cà Mau cũng không thể nào gặp mặt được người cha thân yêu của mình trước khi nhắm mắt.
Mộ của ông và bà hiện an táng tại khu mộ gia đình ở xã Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre.
Ông bà sinh được 9 người con gồm:
- Thứ hai : không rõ tên vì chết nhỏ.
- Thứ ba : Phạm Thị Son.
- Thứ tư : Phạm Văn Giám.
- Thứ năm : Phạm Thị Thắm.
- Thứ sáu : Phạm Thị Ẩn.
- Thứ bảy : Phạm Thị Diệu.
- Thứ tám : Phạm Thị Hoài.
- Thứ chín : Phạm Văn Cang.
- Thứ mười : Phạm Văn Kinh.
..................................................
Các đời còn lại vẫn còn tiếp diễn nhưng do quá dài nên chúng tôi chỉ trình bày tổng quát, quý độc giả có thể ghi chép tương tự như vậy