Phần phả ký
Tập gia phả này ghi lại cánh bà con họ Phạm là hậu duệ của ông Phạm Văn Vân, người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cánh họ Phạm ở đây có nguồn gốc từ họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm. Tuy rằng trong phần phả hệ, cánh họ Phạm ở Nhơn Thạnh chưa có điều kiện đề cập đến, nhưng phần phả ký, khi tìm hiểu về phát tích của dòng họ Phạm ở xã Phước Long, chúng ta không thể không đề cập đến họ Phạm ở Nhơn Thạnh.
Việc xây dựng bộ gia phả của dòng họ Phạm ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm có gặp những khó khăn nhất định, bởi một số lý do như: dòng họ không có gia phả gốc, thời chiến tranh bà con ly tán, mộ của những bậc thuộc các đời đầu đa số là mộ đất, không có bia, có chăng cũng chỉ là sự tôn tạo của con cháu trong những năm gần đây. Vì vậy, sự hiểu biết về tổ quán cũng như tổ phụ chỉ là những truyền ngôn, không đầy đủ, chính xác.
Việc ghi chép lại phả hệ của dòng họ chủ yếu là dựa vào ký ức của bà con hiện còn sống. Tuy nhiên việc xác định tổ quán, phát tích dòng họ, việc xác lập mối quan hệ giữa các nhóm họ Phạm có quan hệ thân tộc chủ yếu hiện sinh sống trên đất Giồng Trôm thì việc dựa vào ký ức cũng có nhiều hạn chế.
Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:
- Xác định tổ quán và vị thủy tổ.
- Nói lên được quá trình hình thành, phát triển của dòng họ.
- Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.
I. VỊ HỌ PHẠM CAO NHẤT Ở XÃ PHƯỚC LONG - ÔNG PHẠM VĂN VÂN
Trước hết cần nói rằng họ Phạm ở xã Phước Long và họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh cùng huyện Giồng Trôm là cùng một gốc. Bà con họ Phạm ở xã Phước Long vẫn truyền miệng nhau rằng tổ tiên của mình những ngày đầu đặt chân đến Bến Tre là tại xã Nhơn Thạnh. Song để đưa ra những yếu tố chứng minh cho điều đó thì chưa ai làm được.
Vị họ Phạm cao nhất của cánh họ Phạm xã Phước Long, cả ông và bà mộ chôn tại khu mộ của dòng họ. Nhưng cho đến lúc tiến hành dựng bộ gia phả này, con cháu cũng không biết tên, năm sinh, năm mất và hành trạng của ông bà. Mộ của ông bà mới được con cháu tôn tạo vào năm 1990. Bia trên mộ của ông, bà được ghi bằng chữ Việt là: “Phần mộ cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư” và “Phần mộ cụ bà thân sinh ông Phạm Văn Dư”, ngoài ra không có thêm những thông tin gì khác.
Tuy nhiên, trong quá trình dựng bộ gia phả này, nhóm thực hiện đã xác định được tên của ông bà và năm sanh của ông, qua tham khảo một số tư liệu tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre như sau:
- Trong bản tương phân ruộng đất mang ký hiệu số 368 có nói rằng, đất của ông Phạm Văn Vân cho con là Phạm Thị Phải.
- Trong bản tương phân ruộng đất mang ký hiệu số 372 có nói rằng đất của ông Phạm Văn Vân cho con là Phạm Văn Dư.
Ông Phạm Văn Dư như chúng ta đã biết, đó là ông nội của ông Phạm Khắc (người đứng ra xúc tiến thực hiện dựng bộ gia phả này). Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng “cụ ông thân sinh ông Phạm Văn Dư”, tức vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long như đã nói ở trên là ông Phạm Văn Vân.
Qua hai bản tương phân ruộng đất nói trên còn cho chúng ta biết ông Phạm Văn Dư còn có một người em gái, hoặc chị gái là Phạm Thị Phải. Đây là nhân vật mà chúng ta không nghe bà con dòng họ nói đến, khi đề cập về những người con của vị tổ họ Phạm ở Phước Long.
Trong sáu người con của vị tổ họ Phạm ở Phước Long thì: người thứ hai không biết tên, người thứ tư cũng không biết tên (bà Ba Vít - đời V - nói rằng theo bà biết thì đó là một người con gái). Cả hai người này cho đến nay chưa tìm thấy hậu duệ của họ. Vì vậy, cũng có thể bà Phạm Thị Phải là một trong hai người này. Đó cũng là vấn đề đặt ra để con cháu trong dòng họ nếu có điều kiện sẽ tiếp tục làm rõ thêm.
Cũng tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre, trong hồ sơ tương phân ruộng đất, tổ thực hiện gia phả lại tìm được một bản khai sanh của bà Phạm Thị Phải.
Chính xác là khai sanh của bà Phạm Thị Ngự, tên thường gọi là Phải (tiếng Pháp ghi là dite Phải) trong đó ghi tên cha là Phạm Văn Vân (trùng khớp với giấy tương phân ruộng đất số 368 nói ở trên). Trong giấy khai sanh này còn có tên mẹ là Võ Thị Đừng, trong bản khai sanh cũng khai đây là “vợ chánh”. Vậy bà chánh thất của vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long là bà Võ Thị Đừng.
Điều quan trọng hơn là qua giấy khai sanh này chúng ta tìm ra được năm sanh của ông Phạm Văn Vân. Khai sanh ghi năm sanh của bà Phạm Thị Ngự là 1892. Phần tuổi của cha (tức ông Phạm Văn Vân) ghi là 44 tuổi.
Năm 1892, ông Vân 44 tuổi, vì vậy ta có thể xác định năm sanh của ông Phạm Văn Vân là 1848.
Như vậy đối với vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long đã được xác định danh tánh, tuổi tác, cùng danh tánh của bà chánh thất. Đó là những dữ liệu quý giá để chúng ta có cơ sở cho những lý giải xa hơn về nguồn gốc của dòng họ
Điều cần nói thêm rằng, trong giai đoạn hiện nay, ở tỉnh Bến Tre đang có những vấn đề phức tạp về đất đai, ruộng vườn. Nên chủ trương chung của tỉnh là tạm thời không cho phép sao lục các giấy tờ liên quan đến đất đai ở các cơ quan quản lý lĩnh vực này. Vì vậy tổ thực hiện gia phả không thể photocopy các bản tương phân ruộng đất kể trên để làm cứ liệu.
II. ÔNG PHẠM VĂN VÂN - CON CỦA VỊ THỦY TỔ HỌ PHẠM Ở XÃ NHƠN THẠNH
Ngày 10-4-2005, tổ thực hiện gia phả họ Phạm của Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Tp.HCM đã cùng đại diện dòng họ Phạm cánh ở Phước Long (gồm có ông Phạm Khắc và ông Phạm Minh Bạch) đã có chuyến đi đến xã Nhơn Thạnh gặp bà con ở đây để tìm hiểu về tổ quán và vị thủy tổ của dòng họ mình.
Ở xã Nhơn Thạnh, đoàn đã gặp một số bà con họ Phạm thuộc cánh trực hệ của ông Phạm Văn Hậu (đời II). Trong đó có ông Phạm Hoàng Minh (đời VI, con của ông Phạm Trường Cửu, ông Minh gọi ông Phạm Văn Hậu là ông sơ). Ông Minh hiện nay là người chăm sóc các ngôi mộ tổ tiên họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh. Ở khu vườn trước nhà ông Minh có khá nhiều mộ, đáng chú ý nhất là 4 chiếc mộ đất. Trong đó có hai ngôi mộ ông Minh gọi bằng sơ (mộ ông bà Phạm Văn Hậu) và hai mộ ông Minh gọi là mộ tổ tiên (ông bà thân sinh của ông Phạm Văn Hậu).
Trong vai vế quan hệ thân tộc, ông Minh (đời VI) gọi ông Phạm Khắc (đời V), bằng bác. Như vậy ông cố của ông Phạm Khắc (tức ông Phạm Văn Vân - đời II) và ông sơ của ông Phạm Hoàng Minh (tức ông Phạm Văn Hậu, đời II) là quan hệ anh em. Ông Phạm Khắc là bác của ông Minh (tức cánh họ Phạm ở Phước Long là vai anh của cánh họ Phạm ở Nhơn Thạnh) vì vậy ông Phạm Văn Vân (ở Phước Long) là anh của ông Phạm Văn Hậu (ở Nhơn Thạnh).
Tuy nhiên ông Phạm Văn Vân và ông Phạm Văn Hậu có phải là anh em ruột hay không? Điều này liên quan đến việc lý giải thuyết phục hay không rằng cha mẹ của ông Phạm Văn Hậu (mộ chôn tại Nhơn Thạnh, trước mặt nhà ông Phạm Hoàng Minh) cũng chính là cha mẹ của ông Phạm Văn Vân. Đó cũng là lời giải cho quá trình đi tìm vị thủy tổ của họ Phạm ở xã Phước Long. Chúng ta hãy xét đến hai điều cần lưu ý sau đây:
- Thứ nhất, cả hai bên (Phước Long và Nhơn Thạnh) đều nói tổ tiên của mình từ ngoài Trung vào Bến Tre bằng phương tiện ghe bầu. Và những người ở cánh Phước Long như bà Ba Vít (đời V), ông Phạm Khắc (đời V)… đều nói rằng gốc gác của vị tổ mình là từ xã Nhơn Thạnh và trên thực tế hai cánh này vẫn nhận là có bà con với nhau, vai vế như hiện nay là do những bậc tiền bối lưu truyền lại, mà ngày nay con cháu cả hai bên không thể giải thích có ngọn ngành được.
- Thứ hai, ông Phạm Hoàng Minh (con ông Phạm Trường Cửu), bà Phạm Thu Hà (con ông Phạm Thiên Tứ - đời V) thuộc cánh họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh nói rằng họ được cha mẹ, ông bà lúc còn sống kể rằng tổ tiên đến Nhơn Thạnh lập nghiệp với tài sản là một đôi quang gánh. Đôi quang gánh đó sau này được xem như một vật lưu niệm của vị thủy tổ dòng họ Phạm và nó được lưu lại tại nhà của một hậu duệ họ Phạm bên xã Phước Long là ông Cò Nguyện.
Ông Phạm Minh Bạch (Chín Chiến) thuộc cánh họ Phạm ở Phước Long, hiện nay sống ở thị xã Bến Tre đã tìm hiểu và xác định rằng: ông Cò Nguyện chính là ông Phạm Văn Nguyện (cháu nội đích tôn của ông Phạm Văn Vân - vị họ Phạm cao nhất ở xã Phước Long), ông tên Nguyện, ốm, cao và lưng cong như dáng con cò nên mọi người gọi thân mật là Cò Nguyện.
Kỷ vật này chắc chắn ông Cò Nguyện được “thừa kế” từ người ông nội Phạm Văn Vân. Và chúng ta có thể suy luận rằng, trong lúc vị thủy tổ họ Phạm ở Nhơn Thạnh đang có người con ruột là Phạm Văn Hậu với rất nhiều con cháu nối dõi tông đường, kỷ vật của ông tổ chỉ có thể trao cho ông Phạm Văn Vân ở Phước Long với điều kiện ông Phạm Văn Vân là con ruột của vị thủy tổ. Đó là lẽ thường tình phù hợp với tập tục, truyền thống của các dòng họ Việt Nam. Hơn nữa cánh họ Phạm ở Phước Long với vai vế là con trưởng của gia đình.
Như vậy chúng ta có thể kết luận ông Phạm Văn Vân là con của vị thủy tổ họ Phạm có mộ chôn tại xã Nhơn Thạnh hiện nay - người mà theo truyền ngôn của bà con dòng họ từ miền Trung vào lập nghiệp với tài sản ban đầu là một đôi quang gánh. Và như vậy, ông Phạm Văn Vân (ở Phước Long) cũng chính là người anh ruột của ông Phạm Văn Hậu (ở Nhơn Thạnh).
III. PHÁT TÍCH CỦA DÒNG HỌ
Vị thuỷ tổ đến xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre từ lúc nào? Ông bà từ đâu đến? Sinh sống bằng nghề gì? Đây là những câu hỏi lớn cần được làm rõ trong mức độ có thể để hiểu thêm về vị thuỷ tổ và tổ quán của dòng họ Phạm.
Từ những tư liệu điền dã và một số tư liệu khảo cứu chúng ta có thể nói như sau:
Như phần trên đã nói, ông Phạm Văn Vân được xác định là sinh năm 1848, như vậy cha của ông Phạm Văn Vân (tức vị thủy tổ họ Phạm) sinh khoảng năm 1823 (nếu chúng ta giả định mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, lấy 1848 – 25 = 1823). Nhưng theo truyền ngôn của những người trong dòng họ, thì “ông bà” vào đây bằng phương tiện ghe bầu. Yếu tố “ông bà” cho chúng ta biết trước lúc vào đây ông đã có vợ và đi cùng với vợ. Nếu ước định tuổi lấy vợ ít nhất là 18 tuổi, và sau khi cưới vợ thì đi vào Nam, thì ông bà đặt chân đến Nhơn Thạnh sớm nhất là năm 1841 (lấy 1823 + 18 = 1841). Như vậy, theo những giả định trên thì vị thủy tổ của họ Phạm đến Bến Tre này trong khoảng thời gian của niên đại vua Thiệu Trị (1841-1847) triều nhà Nguyễn.
Như chúng ta đã biết, từ đầu thế kỷ 19, con đường Thiên lý từ Huế vào Gia Định đã được khai thông. Nhưng đường đi còn lắm hiểm trở, với nhiều thú dữ, rừng thiêng nước độc và nhất là quân cướp dọc đường. Vì vậy, những người di cư thường chọn phương án an toàn là đi đường biển bằng ghe bầu. Những người đi đường biển để đến Bến Tre thường bằng hai con đường: Con đường thứ nhất là đến Đồng Nai, Bến Nghé, Tân Bình rồi sau đó đi tiếp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre. Con đường thứ hai là đi thẳng vào cửa Tiểu, cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên rồi ngược dòng vào sâu trong đất liền định cư trên những giồng, gò cao. Trong những cửa sông đó thì cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên là thuộc địa phận tỉnh Bến Tre.
Con cháu trong dòng họ, cả cánh ở Nhơn Thạnh lẫn cánh ở Phước Long nói rằng tổ tiên mình đã từ ngoài Trung vào bằng ghe bầu. Điều đó phù hợp hoàn toàn với thời điểm và phương cách mà người miền Trung chuyển cư đến lập nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như lịch sử đã ghi nhận.
Ngày nay, con cháu không biết rõ ông bà quê quán ở tỉnh nào trước khi di cư vào đây. Nhưng theo Địa chí Bến Tre thì trong thế kỷ thứ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 thì “nhìn chung các đợt chuyển cư từ miền ngoài, chủ yếu là dân vùng Ngũ Quảng”. Vì vậy chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng thuỷ tổ của họ Phạm ở xã Nhơn Thạnh và xã Phước Long là người của vùng đất Ngũ Quảng (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi), đến đất Bến Tre theo trào lưu di dân vào nửa đầu thế kỷ 19.
IV. HỌ PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ VÀ DỰNG XÂY QUÊ HƯƠNG
1. Sự phát triển về số lượng
Ông thuỷ tổ họ Phạm đặt chân đến xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm làm ăn và sinh sống ở đó. Con cháu và mồ mả ông bà còn lưu lại nơi đây đã chứng minh điều này. Nhưng qua đời thứ II, người con là Phạm Văn Vân đã đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Phước Long, huyện Gồng Trôm. Sinh con cháu nối nghiệp cho đến nay là đời thứ VII.
Ông Phạm Văn Vân, vị tổ của họ Phạm ở xã Phước Long có 6 người con như sau:
- Thứ hai : không rõ
- Thứ ba : Phạm Văn Lại
- Thứ tư : không rõ
- Thứ năm: Phạm Văn Mùa
- Thứ sáu: Phạm Văn Dư
- Thứ bảy: Phạm Thị Giác
Đời III họ Phạm có ba người trai nối dõi đã sinh ra con cháu đông đúc. Ông ba Phạm Văn Lại có 8 người con (trong đó có 6 người là trai - một người chết nhỏ). Con cháu ông Phạm Văn Lại sống tập trung ở xã Thạnh Phú Đông.
Ông năm Phạm Văn Mùa tham gia hoạt động cách mạng, lúc bà vợ qua đời cũng là lúc phong trào cách mạng ở Bến Tre bị Pháp truy bức gắt gao. Những chiến sĩ cách mạng phải chuyển về Cà Mau hoạt động, ông dắt các con về lập nghiệp tại vùng Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Nhưng lúc về già bệnh tật, ông lại quay về Phước Long ở với người cháu Phạm Văn Tường (con người em thứ sáu Phạm Văn Dư) và chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mộ ông bà hiện chôn tại xã Phước Long. Ông có 8 người con trong đó có hai người con trai. Tất cả những người con của ông đều sinh sống ở tỉnh Cà Mau, sinh con cháu và tạo nên một cánh họ Phạm đông đúc ở Cà Mau.
Ông sáu Phạm Văn Dư thì ở lại tại Phước Long, con cháu chủ yếu sống tập trung tại đây. Ở Phước Long có một khu mộ thuộc đất nhà của dòng họ tập trung khoảng hơn 20 mộ phần, trong đó có mộ ông bà Phạm Văn Vân (đời II) và mộ ông bà Phạm Văn Dư (đời III). Ông Phạm Văn Dư có mười người con, trừ người con út chết nhỏ lúc 11 tuổi, trong 9 người còn lại thì có đến 8 người là trai.
Bà Phạm Thị Giác lấy chồng ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phước Long. Bà Giác có người cháu ngoại là Trần Thị Ngôn và bà Trần Thị Ngôn là mẹ của ông Lê Huỳnh (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre).
Đời III của họ Phạm sinh ra rất nhiều con cái, nuôi dưỡng lớn khôn và trưởng thành nên người để tạo nên một đời IV thật đông đúc, là bước phát triển về số lượng đáng kể đối với dòng họ Phạm.
2. Truyền thống cách mạng
Đời IV họ Phạm trưởng thành vào giữa đầu thế kỷ 20. Một số người đã tham gia hoạt động cách mạng giai đoạn trước khi thành lập Đảng như: ông Phạm Văn Chương tham gia hoạt động cách mạng rồi bị bắt giam tù ở Tà Lài. Ông Phạm Văn Vu bị bắt đày đi Bà Rá (1935-1938). Đặc biệt có ông Phạm Hữu Vi (Mười Vi) hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Ông bị bắt đày đi Tà Lài, rồi Bà Rá. Những năm mới thành lập Đảng ông là cán bộ xây dựng cơ sở Đảng ở xã Nhơn Thạnh - tổ quán của mình. Ông là một trong những cán bộ có nhiều đóng góp cho sự phát triển lực lượng Đảng ở Bến Tre, trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Bến Tre năm 1945 và là phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre năm 1948.
Với sự tham gia cách mạng từ những ngày đầu của những người thuộc đời IV, con cháu đời V họ Phạm tiếp tục đi theo lý tưởng của cha, chú, bác của mình, tiếp tục tham gia cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gần như toàn bộ họ Phạm ở Phước Long, gia đình nào cũng có người tham gia cách mạng. Điển hình là cánh ông Phạm Văn Dư, tất cả các gia đình đều có con tham gia kháng chiến. Trong cánh ông Phạm Văn Dư, điển hình nhất là gia đình ông Phạm Văn Tịnh (đời IV), ông có 8 người con, cả 8 người đều tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cả 8 người này đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có một người là liệt sĩ, một người là Anh hùng lao động.
Trong kháng chiến chống Mỹ có một số người đi du học ở nước ngoài. Trong quá khứ và hiện nay dòng họ có rất nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, có một số người giữ những trọng trách trong xã hội như ông Phạm Minh Triều (đời V) từng giữ các chức vụ: Tham tán chính trị Sứ quán Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tại Ba Lan, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre...
Ông Phạm Tấn Phước (Phạm Khắc, đời V), Nghệ sĩ nhân dân, Anh hùng lao động, nguyên giám đốc Đài Truyền hình TPHCM.
Ông Phạm Minh Quang (đời V), hiện là giám đốc bưu điện tỉnh Cà Mau v.v...
3. Đặc điểm của dòng họ
- Đặc điểm lớn nhất của dòng họ Phạm đó là có tinh thần cách mạng triệt để, nổi bậc nhất là hậu duệ đời IV và đời V qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gần như tuyệt đại bộ phận không tham gia chính quyền Sài Gòn. Từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, những thế hệ con cháu họ Phạm tiếp tục truyền thống cha ông, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
- Ngày nay, do điều kiện sinh sống, con cháu họ Phạm một số sinh sống ở quê nhà huyện Giồng Trôm, nhưng cũng có một số khá lớn ở xa quê hương. Tuy vậy, tinh thần hướng về quê hương, ý thức về dòng họ, tình cảm thân thiện giữa những người cùng huyết thống rất cao. Điều đó được nhìn thấy qua những chuyến điền dã của nhóm thực hiện gia phả đến các xã Phước Long, Thạnh Phú Đông, Nhơn Thạnh, ở tỉnh Cà Mau và một số nơi tại TPHCM. Bà con hồ hởi, đối xử thân tình khi gặp nhau, nhiệt tình hưởng ứng, tạo điều kiện giúp đỡ nhóm thực hiện gia phả, với mong muốn hoàn thành thật tốt bộ gia phả và xem đó như là bảo vật của dòng họ.
- Truyền thống cần cù lao động, học tập và ý chí vươn lên trong cuộc sống cũng là một trong những đặc điểm lớn của dòng họ Phạm. Như chúng ta đã biết, vị thủy tổ của họ Phạm là dân vùng Ngũ Quảng, đến mảnh đất Bến Tre lập nghiệp với hai bàn tay trắng, phương tiện và tài sản sinh sống ban đầu chỉ là một đôi quang gánh. Nhưng các vị tiền nhân của họ Phạm đã khắc phục những khó khăn của cuộc sống, lao động cần cù, tạo được ruộng vườn, tuy không phải là những người giàu có, địa chủ, nhưng cũng có một số đất đai kha khá làm tài sản thừa kế cho con cháu sinh sống, nuôi dạy con cái nên người. Những hậu duệ của họ Phạm là những người cách mạng đấu tranh cho lý tưởng cao cả của xã hội. Có một số người vươn lên nổi bậc trong những trào lưu cách mạng và nắm giữ những trọng trách của xã hội, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi mà vị thủy tổ đã chọn làm quê hương thứ hai cho mình.
- Nhìn chung họ Phạm cho đến ngày hôm nay là một dòng họ mang bản chất nông dân. Các bậc tiền nhân là những nông dân chất phát, chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ, đã rời mảnh đất miền Trung khô cằn để tìm đến miền Nam ruộng đồng phì nhiêu lập nghiệp. Cũng chính vì vậy mà các vị tiền nhân đã đồng cảm và dễ dàng đến với cách mạng, tham gia cách mạng để đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào và cho chính bản thân mình. Tuy trên thực tế có một số người sau này trở thành những cán bộ cao cấp, nhưng họ vẫn giữ nguyên sự bình dị, chất phát, mộc mạc - bản chất nông dân của dòng họ. Và nhìn chung dòng họ Phạm cơ bản vẫn là một dòng họ nông dân, đa số sống với nghề ruộng vườn, cũng có một số buôn bán, kinh doanh nhưng không có ai giàu có với tài sản kếch sù hoặc trở thành những ông chủ kinh doanh lớn.
Cho đến ngày nay, nhiều thế hệ con cháu họ Phạm đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho quê hương Bến Tre nói riêng và đất nước nói chung. Thế hệ con cháu hiện nay vẫn tiếp tục truyền thống của cha ông góp phần dựng xây đất nước.
Việc dòng họ chủ trương dựng bộ gia phả là một việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa, trước hết là để thắt chặt tình cảm bà con trong dòng họ, để con cháu có điều kiện hướng về cội nguồn, tìm hiểu, chiêm nghiệm những lối sống cao đẹp, sự cống hiến cho xã hội và tinh thần lao động cần cù của cha ông trong quá khứ, đó cũng là phương cách giáo dục con cháu một cách hữu hiệu, giúp cho thế hệ ngày hôm nay tin tưởng, tự hào về truyền thống của tổ tiên mình để sống có ích cho gia đình và cho xã hội.
Các bậc tiền nhân đã thật sự làm rạng danh cho dòng họ. Những cống hiến cho xã hội và nhân cách sống của các bậc tiền nhân trong quá khứ sẽ là niềm tự hào và là sức mạnh tinh thần, luôn đồng hành cùng bước đường lập nghiệp tiến thân của hậu duệ, hy vọng sẽ giúp họ vượt qua những gian nan của cuộc sống để tiếp tục lập nên những kỳ tích, viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai.