Chuyện về anh tôi

 “Ở nhà dù khó khăn đến đâu U cũng cố gắng cho em Liên, em Quang học hết lớp 10”, đó là nguyện vọng anh tôi, anh Vũ Thiên Tích, nói với mẹ tôi trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Đã gần 50 năm qua, anh tôi cũng đã may mắn trở về ổn định gia đình, tôi và cậu Quang cũng đã học hết lớp 10, trở thành Thạc sỹ, Tiến sỹ, đã phấn đấu và thành đạt, nhưng câu nói của anh khi xưa tôi vẫn không bao giờ quên được. Tôi thầm cảm ơn anh vì anh luôn nghĩ đến các em của mình và nhờ những tình cảm anh chị em trong gia đình mà tôi có được như ngày hôm nay.

chuyện anh tôi


Anh tôi sinh năm 1948 anh hơn tôi 5 tuổi. Anh là người hiền lành ít nói có đôi chút rụt rè, nhưng đôi khi rất nóng tính nhất là khi có ai cố ý xúc phạm đến gia đình. Tôi nhớ hồi bé khi nhà tôi còn ở quê (làng Mộ trạch xã Tân Hồng huyện Bình Giang), gia đình tôi khi đó bị quy là địa chủ (sau Chính phủ sửa sai nhà tôi được hạ thành phần), Thày tôi phải đi tập trung, U tôi một mình phải chạy chợ nuôi các con. Ở nhà có 3 anh em (chưa có em Quang), cậu em liền tôi thì vừa mất khi chưa đầy 3 tháng tuổi. Anh tôi khi đó mới gần 7 tuổi phải trông hai em 5 tuổi và 2 tuổi. Hàng ngày 3 anh em chúng tôi quẩn quanh trên chiếc giường tre ọp ẹp, anh tôi dạy cho chúng tôi những bài hát mà U tôi vẫn hát như Du kích ca, Diệt phát xít …Đến xế trưa không thấy U về, anh lại cõng tôi và dắt chị Ngà ra đầu làng đón đợi. Tôi còn bé, nhớ mẹ lại đói bụng, khóc ngặt nghẽo trên lưng anh, đói quá cắn vai anh đến chảy máu. Mọi người nhìn thấy tưởng đứa em hư quấy khóc, khuyên anh bỏ tôi xuống, nhưng anh tôi lắc đầu rồi vừa khóc vừa nói: “Em cháu nó đói”. Một thời gian sau anh tôi được anh Cả (anh Vũ Thiên Hựu) về đón sang Thái Bình học, vì hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó không thể cho anh đi học được.

Sau cải cách ruộng đất, nhà tôi lên Phố Sặt sinh sống, anh tôi trở về cùng gia đình và đi học ở Sặt. Năm 1960 Thầy, U tôi sinh thêm cậu Quang, như vậy anh có 3 đứa em phải trông nom. Anh tôi là người ham học, ham đọc sách, nhờ đó mà anh hiểu biết rất rộng các kiến thức về văn học, lịch sử trong nước và thế giới. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn coi anh như một cuốn tư liệu sống, khi nào có việc gì không nhớ lại gọi hỏi “Bác Tích”. Gia đình tôi làm kinh tiêu bán thuốc bắc, Thày tôi thì bắt mạch kê đơn, U tôi thì bốc thuốc, còn anh sau khi đi học về có nhiệm vụ đọc đơn và giúp cho U tôi cân thuốc cho bệnh nhân bằng cái cân tiểu ly. Có hôm không phải đọc đơn thì anh lại chơi với chúng tôi hoặc dạy chúng tôi học. Chúng tôi ít hơn anh không nhiều tuổi nhưng đối với chúng tôi anh là một người thầy, một người anh cái gì cũng giỏi và lúc nào cũng sẵn sàng bênh vực các em. Năm 1965, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn khi Thày tôi đã già yếu không còn làm kinh tiêu bán thuốc bắc nữa mà vào Hợp tác xã theo chế độ. U tôi vốn dĩ không biết làm nông nghiệp, nhưng cụ cũng không dám đi buôn bán ngoài chợ mà xin Hợp tác xã mấy sào ruộng để cày cấy. Bố, mẹ không biết làm ruộng, mấy đứa con còn nhỏ, toàn bộ công việc đồng áng đều phải thuê ngoài, bao nhiêu tiền tích góp được từ trước bỏ ra chi tiêu hết. Anh tôi khi đó đang học lớp 9 chỉ còn một năm nữa là có thể vào được Đại học với tương lai tươi sáng.

Vì hoàn cảnh gia đình anh tôi phải nghỉ học để đi làm sớm hơn một số bạn bè cùng trang lứa. Là một người hiếu học anh tôi khi đó rất buồn. Buồn vì sự tiếc nuối, buồn vì mặc cảm với bạn bè do không được đi học tiếp. Sự mặc cảm nó đeo đuổi anh cho đến tận sau này. Ngay cả khi anh tôi đã phấn đấu thành đạt bằng anh bằng em thì khi gặp bạn học cũ anh tôi vẫn còn mặc cảm. Nhờ có anh tôi đi làm giúp gia đình nên cuộc sống gia đình tôi đã bớt vất vả hơn, tôi và chị Ngà vẫn được đi học bình thường. Anh tôi được anh Cả tôi xin cho làm ở Ngân hàng Huyện ngay gần nhà, nên hàng ngày vẫn về nhà ăn cơm được. Tối tối anh vẫn dạy tôi và chị Ngà học bài, vì năm đó chị em tôi học lớp 7 chuẩn bị thi tốt nghiệp nên cần phải học nhiều.

Năm 1966, khi anh tôi mới đi làm được 1 năm thì Thày tôi ốm phải nằm viện nhiều ngày. Khi đó anh Cả tôi ở xa, chúng tôi còn bé, U tôi và chị Minh thì không biết đi xe, mọi sự chăm sóc Thày tôi chủ yếu do anh tôi đảm nhiệm chạy đi chạy về. Có lần vì mệt mỏi, lo lắng cho Thày tôi mà khi vào thăm Thày tôi ở bệnh viện, lúc trở ra anh không nhớ xe của mình là xe nào, lấy nhầm xe của người khác về đến nửa đường mới phát hiện ra phải quay lại đổi, cũng may mà không gặp sự rắc rối nào.

Thày tôi nằm viện được một thời gian thì mất. Khi đó anh chị em tôi còn nhỏ, tôi và chị Ngà mới đang học dở lớp 7, cậu Quang mới sang tuổi thứ 7 còn chưa đi học, mẹ tôi cũng đã già lại chưa quen làm ruộng nên được rất ít công điểm (khi đó nhà tôi đã vào HTX Nông nghiệp). Mọi khó khăn trong nhà, U tôi gánh vác, may có anh đã đi làm lên phụ giúp thêm. Tuy hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng trong công tác anh tôi luôn làm tốt công việc được giao và mọi người ai cũng quý mến. Tôi nhớ khi đó có bác Vũ Văn Thư, thủ trưởng của anh tôi, người biết và rất hiểu anh, nên quý anh tôi lắm. Các anh chị trong cơ quan thỉnh thoảng có vào thăm nhà tôi đều rất khen anh tôi hiền lành chịu khó và nghiệp vụ rất giỏi.

Thày tôi mất được 3,4 tháng thì chúng tôi học xong lớp 7 khi đó chị Ngà tôi mới 16 tuổi, phải khai tăng tuổi để anh Cả tôi xin cho đi làm ở Ngân hàng huyện Cẩm Giàng. Phải đi làm sớm, chị tôi cũng buồn lắm vì chị Ngà còn học giỏi hơn cả tôi, trong thời gian học chị được đi thi học sinh giỏi cấp Huyện. Khi chị đi nhận việc, người bé tý mặc áo bà ba đen, đeo chiếc khăn tang đen, xách chiếc túi vải trong đó có lèo tèo vài ba bộ quần áo cũ, 1 bộ quần áo của tôi cũng phải dồn vào cho chị để chị tôi “có cái mà thay đổi”, một bộ mới do chị Minh may cho. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được hình dáng của chị khi nhận việc. U tôi thương chị khóc thầm. Anh tôi không khóc nhưng buồn và day dứt vì không giúp được em, để chưa đủ tuổi mà em đã phải đi làm, không được học đến nơi đến chốn như mình. Anh tôi cũng hiểu vì hoàn cảnh gia đình như vậy, U không thể nuôi được cả 3 chị em ăn học được. Sau khi anh Tích, chị Ngà đi thoát ly, ở nhà chỉ còn 3 mẹ con, tôi thi vào lớp 8 học tiếp còn cậu Quang vào học lớp vỡ lòng (lớp 1 bây giờ).

Tuy còn nhỏ (mới 13 tuổi) nhưng tôi cũng hiểu mình được đi học là do U tôi phải cố gắng bươn chải làm việc, các anh chị tôi phải bỏ dở học giữa chừng. Sớm ý thức được gia đình mình còn nghèo nên tôi và cậu Quang cố gắng học thật tốt, ngoài giờ học chúng tôi phụ giúp U tôi làm ruộng, nuôi lợn hoặc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa…Trong dịp nghỉ hè lần nào tôi cũng tham gia sản xuất ở HTX để có thêm công điểm cho U. Cuộc sống gia đình tôi nghèo nhưng luôn có tình thương yêu và tiếng cười. U tôi là người sống rất lạc quan, không khi nào ca thán là vất vả hoặc bắt các con làm lụng quần quật như các gia đình khác. Các anh chị lớn như chị Minh, anh Hựu…thường xuyên đi lại giúp đỡ động viên U con tôi, do vậy chúng tôi không thấy đơn độc và trong làng ngoài xã không ai biết nhà tôi thiếu thốn như thế nào.

Gia đình tôi mới bắt đầu ổn định trong hoàn cảnh không còn bố, thì đến năm 1967 theo tiếng gọi của non sông anh tôi lên đường đi chiến đấu. Khi đó anh tôi người nhỏ bé nhưng vì tổng động viên các thanh niên đều phải lên đường đánh giặc. Anh ra đi chiến đấu nhưng canh cánh bên lòng lo cho mẹ và các em ở nhà. Tôi nhớ trước hôm anh tôi lên đường nhập ngũ, U tôi có làm một mâm cơm trước là cúng Thày tôi, sau là liên hoan tiễn chân anh tôi. Hôm đó có anh Xá, anh Sinh là bạn học cùng anh tôi (sau này các anh cũng đi bộ đội, và anh Xá đã hy sinh trong chiến trường Miền Nam).

Ba anh nằm chung với nhau một đêm, các anh không ngủ chỉ rì rầm chuyện, chắc trong mỗi người đều có tâm sự riêng. Khi mới nhập ngũ, đơn vị của anh đóng quân ở Nam Sách để huấn luyện trước khi ra chiến trường. U tôi ngoài không thể hiện gì, nhưng trong lòng tôi biết cụ rất buồn và thương con, lo lắng cho con lắm. Thời chiến đi bộ đội, ai biết được anh có may mắn trở về hay không. Anh tôi lại yếu ớt, nhỏ bé liệu có vượt nổi những khó khăn ác liệt của chiến trường hay không?. .Trước khi đi anh dặn dò chúng tôi “Phải học cho tốt, học cho cả phần của anh và giúp đỡ U nhé”.

Tôi và cậu Quang khi đó còn nhỏ chưa tưởng tượng được sự ác liệt của chiến tranh, chỉ biết anh đi thì nhớ lắm. Thời gian anh ở Nam Sách mặc dù khó khăn thiếu thốn, U tôi cũng lặn lội đến thăm anh được một hai lần. Một lần U tôi lên thăm anh, khi về cố nhét vào tay con trai ít tiền để anh chi tiêu trong thời gian huấn luyện, nhưng anh nhất định không nhận, mọi người ở đi cùng xe ai cũng nói: “Chú hãy nhận đi cho bà yên tâm ”. Quay đi để cố dấu không để mẹ nhìn thấy những giọt nước mắt, vừa khóc anh vừa nói “U cháu ở nhà còn phải nuôi 2 em cháu ăn học”. Anh tôi là như vậy đó, lúc nào cũng chỉ nghĩ cho mẹ cho các em mình. Đơn vị của anh tập luyện được mấy tháng thì có lệnh lên đường vào chiến trường miền Nam.

Trước khi đi, đơn vị cho nghỉ 1 ngày, anh về tạm biệt gia đình vội vàng, không có thời gian thăm các anh chị em ở xa, nhà lại neo người vì vậy cũng không có ai tiễn chân anh lên đơn vị được (khi đó chiến tranh xe cộ đi lại rất khó khăn). Tôi nhớ có chị làm ở Công ty Rau xanh đóng gần nhà, cũng là bạn công tác trước của anh đưa anh tôi đi bằng xe đạp đến nơi đơn vị tập kết. U tôi và chúng tôi chỉ tiễn chân anh được một đoạn đến đầu làng. Khi anh đi rồi, cả 3 mẹ con như hụt hẫng và cảm tưởng như không bao giờ được gặp anh nữa. U tôi là người buồn nhất, khi đứng trước mặt anh, U vẫn tươi cười động viên, nhưng sau khi anh đi khỏi, U trở về nhà đứng trước bàn thờ khóc to như đứt gan đứt ruột: “Ới ông Phổ ơi, Ông sống khôn thác thiêng phù hộ cho con, đi đến nơi về đến chốn”.

Chúng tôi cũng khóc và còn sợ U tôi làm sao, cứ ôm gọi U. Sau này khi có con, tôi mới hiểu hết tấm lòng người Mẹ, nhất là khi thấy con mình đi vào nơi nguy hiểm không biết sống chết thế nào. Tôi cũng cảm phục biết bao những bà Mẹ Việt Nam như U tôi, thắt ruột thắt gan thương con, nhưng vì non sông đất nước đã sẵn sàng hy sinh cả núm ruột của mình. Vì có những người Mẹ Việt Nam vĩ đại như vậy non sông đất nước ta mới được như ngày hôm nay.

Anh tôi đi B gia đình tôi không còn lương của anh như trước, nhưng bù lại có tiền “Phụ cấp đi B” cho mẹ tôi – tiêu chuẩn của “Bà mẹ chiến sỹ”, số tiền hình như được 5 đồng 1 tháng. Chị Ngà tôi đã đi làm nên cũng giúp đỡ U tôi được một phần. Anh Hựu chị Minh tôi khi đó còn khó khăn nên cũng không có điều kiện giúp đỡ U tôi đươc nhiều.

Nhờ có những chính sách, chế độ đối với Gia đình bộ đội đi B ở địa phương, sự thăm hỏi thường xuyên U tôi của các anh chị tôi, chia sẻ những khó khăn khi sớm tối, mà nỗi nhớ thương anh Tích của U tôi cũng nguôi ngoai được phần nào và mẹ con tôi cũng bớt đi nỗi cô quạnh. Vì là gia đình chính sách nên khi nhà tôi thiếu công điểm được HTX cho mua thóc giá thấp (gọi là điều hòa), với tiêu chuẩn 10 kg thóc (khoảng 7 kg gạo) một người một tháng.

Tiêu chuẩn tuy thấp, nhưng còn ruộng phần trăm nên U con tôi cũng tạm chạy vạy qua ngày. Anh tôi đi B được mấy tháng thì nhà tôi bị đổ trong cơn bào năm 1968, cơn bão đã làm đổ sập hoàn toàn căn nhà trên và dẫy nhà bếp dưới. Năm đó tôi bắt đầu bước vào lớp 10, còn cậu Quang vào học lớp 3. Trường cấp 3 Bình Giang sơ tán cách nhà tôi 6 cây số, nhà không có xe đạp, hàng ngày tôi đi bộ đi học hoặc đi nhờ xe cháu Nhân con chị Minh, sau này anh Hựu mang về cho một xe đạp thiếu nhi Liên xô nên tôi đi lại thuận lợi hơn. Trưa về tôi lại phụ giúp U tôi dọn dẹp đống đổ nát còn lại sau bão. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu làm sao U tôi, chỉ có tôi phụ giúp, lại có thể làm được khối lượng công việc lớn như vậy. Nhà cửa dui mè, gạch nát, bát đũa xoong nồi cái vỡ cái lành, thóc lúa, quần áo…U con tôi tự nhặt nhạnh thu gom xắp xếp cả ngày đêm.

Tôi nhớ có ngày U con tôi chỉ được cho vào bụng đúng một cái bánh mỳ mua của bà Khiết gần nhà. Cuộc sống của U con tôi đã vất vả lại càng vất vả hơn. Sau bão U tôi thuê người làm một gian nhà, nói là nhà nhưng nó còn nhỏ hơn một cái bếp của nhà khác. Trong căn nhà này, U con tôi vừa dùng làm nơi ở, sinh hoạt, vừa là nơi đun nấu và chăn nuôi. U con tôi ở căn nhà này hơn năm sau, mới có điều kiện thuê người dùng phế liệu của nhà cũ để dựng lên một ngôi nhà nhỏ khác tách biệt với bếp và chuồng lợn.

Không biết anh tôi có biết cảnh U con tôi không. Khi viết thư về vẫn căn dặn chúng tôi học giỏi và thương U rất nhiều. Trong thư anh hay trích những câu thơ trong bài “Bầm ơi” của Tố Hữu để nói lên nỗi lòng của mình với mẹ. Chúng tôi đọc thư cho U tôi nghe, U tôi khóc nghẹn ngào. U tôi học nhẩm và thuộc rất nhanh bài thơ anh viết, để mỗi khi thấy áng mây chiều phía đằng tây, như một dãy núi nhấp nhô xa xa tít chân trời, U tôi thường tưởng tượng ra bóng dáng đứa con trai mình, lưng đeo ba lô vai khoác súng, leo núi, mà mắt vẫn ngóng về quê nhà nhớ mẹ. Những lúc như vậy U tôi nhẩm đọc bài thơ “Bầm ơi”:

Ai về thăm mẹ quê ta,
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm.
Bầm ơi có rét không Bầm.
Heo heo gió núi lâm râm mưa phùn.
Bầm ra ruộng cấy Bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non,
Mạ non Bầm cấy mấy đon
Ruột gan Bầm lại thương con mấy lần…


Anh tôi đi chiến đấu chiến trường B gần 8 năm nhưng chỉ viết được khoảng 5 hoặc bức thư về nhà, những bức thư đó là báu vật của U tôi. Rồi 3 năm cuối anh tôi không còn viết thư về nữa. U tôi nghĩ anh tôi đã hy sinh. Khi đó trong làng, ngoài xã không ngày nào không có giấy báo tử về cho các gia đình. Đến chia buồn cùng các gia đình liệt sỹ U tôi khóc cho người chiến sỹ đã hy sinh và khóc cả vì lo lắng, thương nhớ cho đứa con, không biết giờ sống chết ra sao. U tôi là người sống nội tâm, nỗi buồn thường giấu kín. Bề ngoài U vẫn vui cười, động viên chúng tôi học hành, nhưng tôi biết nhiều đêm U trăn trở nhớ con và lo lắng cho cuộc sống của cả nhà. Tôi biết U tôi vất vả buồn lo nhưng tôi không biết làm sao được, chỉ biết phải cố gắng học thật tốt và giúp U làm Hợp tác xã để có thêm thật nhiều công điểm. Làm HTX lấy công điểm, tôi gánh và cấy nhanh không kém những người lao động chính của xã, gánh có thể được hơn 60 kg. Ngày nào tôi cũng đi làm một buổi, học một buổi. Nghỉ hè tôi tham gia cả ngày. Em Quang ở nhà nấu cơm, trông nhà phụ giúp nuôi lợn, gà. U con tôi tuy vất vả nhưng đầm ấm, chỉ thương và lo lắng cho anh.

Rồi ngày chiến thắng đã gần đến, toàn dân theo dõi, mong chờ chiến thắng hàng ngày của Quân dân Miền Nam. Đầu năm 1975 anh bị thương trong chiến trường Quảng Đà và được ra Bắc an dưỡng. Khi biết tin, U tôi và các anh chị em chúng tôi mừng vui không sao kể xiết. Hôm đến thăm nơi anh an dưỡng ở Nam Sách có tôi, chị Ngà, cháu Hải (khi đó mới chưa đầy 3 tuổi) và cháu Hà con chị Minh. Anh Tích tôi trong chiến trường bị sốt rét người gầy đen tóc lâu không cắt gội bù xù không nhận ra. Khi anh Hựu tôi đưa xe ô tô cơ quan lên đón anh về đến nhà, U tôi vừa ôm chầm lấy anh vừa khóc miệng không ngừng nói: ”Là tỉnh hay mơ đây con ơi”.

Thế là anh tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về với gia đình, quê hương. Trước khi anh đi bộ đội, anh đang làm cán bộ Ngân hàng huyện, nay đã hoàn thành nhiệm vụ, anh lại trở về cơ quan cũ làm việc và còn mang về nhiều danh hiệu cao quý: “Dũng sỹ diệt xe tăng”, “Dũng sĩ xung kích cấp ưu tú”, “Chiến sĩ Thi đua toàn quân trên mặt trận Quảng Đà năm 1974” và được tặng thưởng “Huân chương Chiến công hạng Nhì”. Trở lại cơ quan cũ, không ai có thể tin nổi: Chú Tích “bé nhỏ, hiền lành” ngày nào lại có thể diệt và bắt sống được xe tăng địch, nghe nói khi báo cáo thành tích trong Đại hội thi đua tiêu biểu, người ta phải kê ghế cao hơn để cho mọi người dưới hội trường nhìn rõ mặt anh mà chụp ảnh. Còn chúng tôi, ngoài niềm vui anh đã về, vẫn còn lo lắng không yên tâm, khi mà trong ngực anh tôi vẫn còn mảnh đạt quân thù chưa thể lấy ra được và có thể bom đạn chiến tranh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và thể lực của anh, trong khi quyền lợi của một thương binh lúc đó anh tôi cũng không được. Còn đối U và anh tôi chỉ nghĩ “còn cái gáo” trở về cũng đã là may mắn hơn nhiều người lắm rồi.

Một thời gian sau anh theo học lớp ban đêm để tự hoàn thiện chương trình lớp10/10, rồi anh đỗ vào Đại học Ngân hàng. Trong thời gian này anh tôi gặp và cưới chị dâu tôi cũng là người cùng xóm, anh chị sinh được 2 cháu 1 trai, 1 gái. Với trí thông minh, ham học cần mẫn với công việc, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và anh được cấp trên bổ nhiệm làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Ngân hàng huyện Bình Giang Hải Dương.

Sau khi trở về với gia đình, với quê hương và với công việc, anh tôi đã ổn định tốt cuộc sống của mình. Nhưng tình đồng đội vẫn đau đáu trong lòng không lúc nào nguôi, nhất là những bạn chiến đấu đã hy sinh nằm lại chiến trường Quảng Đà đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt. Anh tôi đã thu xếp gia đình, tài chính và không quản ngại bao nỗi khó khăn để vào lại mảnh đất chiến đấu năm xưa tìm hài cốt bạn mình về cho gia đình từ năm 2003 đến năm 2007 dựa vào các tư liệu của đơn vị và địa phương khi cần nhờ cả vào nhà ngoại cảm có uy tín… Đặc biệt là trường hợp liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh quê ở xã Ngọc Liên huyện Cẩm Giàng người đã cùng chiến đấu với anh, cùng bằng tuổi anh, cùng bị thương trong một trận đánh sau đó Đ/c Lếnh đã hy sinh. Anh tôi đã lặn lội vào Quảng Đà và đã tìm được hài cốt cho gia đình (khi nhặt khúc xương đùi còn vết cưa cụt anh đã bật khóc vì chính anh đã cùng nằm trạm phẫu tiền phương huyện Điện Bàn thời gian đó.). Sau này về, chính anh cũng là người viết bản “Thành tích chiến đấu” cho bạn mình báo cáo lên trên để Đ/c Hoàng Kim Lếnh được phong danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” (là 1 trong 2 Anh hùng chống Mỹ của tỉnh Hải Dương). Đồng đội chiến đấu cũ của anh đến nay vẫn coi gia đình anh là “địa chỉ đỏ” để gặp gỡ nhau và ôn lại những kỷ niệm chiến đấu năm xưa…

Năm 2003 U tôi đã mất trong sự mãn nguyện về con cháu mình đã trưởng thành. U mất trên tay anh, người con mà U thương nhất vì anh là con đầu lòng của mẹ và cũng vì anh tôi là người con hiếu thảo với Thày, U, có trách nhiệm với anh em, gia đình.

Hiện nay anh chị em tôi đã lớn tuối và phần lớn đã có cháu nội ngoại, các anh chị lớn còn có các chắt nội ngoại. Anh Tích tôi đã về hưu, cháu Nam, Thanh đã có công việc ổn định và gia đình yên ổn. Anh, chị tôi đã có cháu nội ngoại đầy đủ trai gái. Còn tôi đứa em khi nhỏ vẫn được anh dỗ dành khi đói và bênh vực khi bị bắt nạt vẫn luôn ghi nhớ trong lòng lời dặn dò của anh trước khi đi chiến đấu: ”Ở nhà dù khó khăn đến đâu U cũng cố cho em Liên và em Quang học hết lớp 10”.

Tôi ghi nhớ lời dặn dò của anh trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, lời dặn đó là lời ước nguyện, là niềm mơ ước cho các em của anh được ăn học không bị thiệt thòi như mình. Trong lời dặn tôi thấy cả nỗi buồn vì hoàn cảnh gia đình nên anh tôi dù ham học mà không được học hết phổ thông. Hiểu được tấm lòng của các anh chị, trong suốt quá trình học tập và công tác của mình, tôi không bao giờ làm việc gì phụ lòng Thày U, các anh chị. Khi còn ở nhà trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải vừa học vừa làm nhưng tôi là một trong số ít học sinh trong khóa tốt nghiệp lớp 10 và được vào Đại học năm 1969. Tôi cũng là 1 trong 3 sinh viên khóa 7 khoa Ngân hàng được Hiệu trưởng tặng bằng khen vì thành tích suất xắc trong toàn khóa học. Năm 1980 tôi thi Nghiên cứu sinh, là người có điểm cao nhất trong số các cán bộ được cử đi thi năm đó của ngành Ngân hàng. Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) tại Leningrat Liên bang Xô viết năm 1986, về nước được giao nhiều chức vụ cao của ngành Ngân hàng, trong đó có nhiều năm là Phó thống đốc NHNN, một chức vụ cao của ngành, nhưng ở trong nhà, với anh tôi, tôi vẫn coi mình như là một đứa em gái được ưu ái và may mắn. Mặc dù đã cố gắng để làm thật nhiều việc, giúp đỡ được nhiều cho anh chị, nhưng trong tự đáy lòng mình, tôi luôn luôn cảm thấy chưa đủ so với công lao và mong mỏi của Thày, U và các anh chị tôi.

Đến tận bây giờ, khi đã ngoài 60 tuổi tôi vẫn muốn là đứa em khi có việc gì không đúng lại được anh chị dạy bảo, thậm trí mắng mỏ như năm nào còn bé. Em vẫn luôn là em của anh chị và biết ơn các anh chị rất nhiều.

Hà Nội, tháng 7 năm 2015
Mới hơn Cũ hơn