Ông Nội của tôi mất từ trước khi tôi ra đời. Vì thế, nên tôi chỉ có một người ông duy nhất đó là Ông Ngoại. Ông Ngoại tôi, cụ Vũ Xuân Phổ, sinh năm 1893 (Quý Tỵ) mất năm 1966. Ông tôi là Nhà Nho, đã từng “lều chõng” đi thi dưới thời phong kiến xưa. Sau khi đỗ “khóa sinh” thì triều đình Nhà Nguyễn hủy bỏ các kỳ thi Nho Học. Ông tôi làm nghề dậy học và cắt thuốc đông y (trước gọi là bốc thuốc Bắc). Ông tôi có khuôn mặt đôn hậu, da trắng hồng, mắt sáng, trán cao, tóc bạc, râu bạc trông như ảnh vẽ các “ông Tiên”. Đặc biệt Ông tôi có chòm râu thưa, không dài giống y như chòm râu của Bác Hồ. Từ bé tôi đã luôn được gần Ông và được Ông quý, Ông thương như các con cháu khác của Ông.
Khi học phổ thông, nhà tôi ở Thị trấn Kẻ Sặt còn nhà Ông Ngoại tôi ở xã Tráng Liệt cũng gần ngay cạnh. Thực ra trước kia, thời Pháp thuộc, cả hai nơi là một gọi là Kẻ Sặt và bên ngoài là “phố Sặt” bên trong là “làng Sặt” sau ngày hòa bình lập lại mới gọi thành hai tên như trên. Kẻ Sặt từ thời Pháp thuộc đã là một nơi sầm uất, trên bến dưới thuyền, có điện, nước máy, rạp chiếu phim (trước gọi là rạp xi – nê)… Vì nhà tôi rất gần nhà Ông Ngoại nên khi nào rỗi tôi lại tót vào nhà Ông Ngoại chơi. Nhà Ông Ngoại tôi rộng rãi lại có cả sân, vườn, cây to nhỏ … chứ không chật chỉ có cái nhà như nhà tôi. Vào nhà Ông tôi còn rất nhiều điều “hấp dẫn” khác như: có cậu Tích bằng tuổi tôi lại học cùng lớp với tôi.
Tuy hay bị cậu trêu là “Thành nhè” nhưng tôi cũng vẫn thích chơi với cậu. Lại còn cả dì Ngà, dì Liên nữa. Mặc dù là dì nhưng ít tuổi hơn tôi và cũng chơi với cháu như bạn bè vậy. Còn nhiều điều “hấp dẫn” khác nữa là hay được Bà Trẻ và Ông Ngoại cho quà. Ông tôi là “Lương y” làm thuốc Bắc chữa bệnh cho mọi người nên trong nhà có rất nhiều loại thuốc đựng đầy các ngăn kéo tủ thuốc và còn đựng trong rất nhiều hộp nhựa nữa. Loại thuốc nào cũng có tên dán cẩn thận nhưng Ông viết bằng chữ Hán hay chữ Nho nên tôi không đọc được. Tuy vậy có những loại thuốc mà tôi rất thuộc đó là “cam thảo”, “táo tầu” và “ô mai”. Tôi không thể nào quên được vị ngọt mát thơm tho của cam thảo khi ngậm trong mồm, vị ngọt nhẹ cắn vừa mềm vừa thơm của táo tầu và vị chua rôn rốt của ô mai… Hồi ấy thỉnh thoảng được Ông Bà cho vài miếng cam thảo, vài quả táo tầu, ô mai là tôi thấy sung sướng vô cùng rồi… Không kể khi được ăn, mà cứ mỗi lần vào nhà Ông là tôi lại hít lấy hít để cái vị thuốc bắc thơm nồng nàn khác hẳn các mùi vị khác. Đến bây giờ mỗi khi sắc thuốc cho Mẹ, tôi lại thích thú hít thở cái mùi thuốc thơm kiểu “đông y” lạ kỳ ấy và lại nhớ lại khi vào nhà Ông Ngoại ngày xưa.
Nhà Ông tôi không có “đồ chơi” cho trẻ con các loại như bây giờ nhưng hồi ấy vào nhà Ông tôi lại có những “đồ chơi đặc biệt” đó là: được thái thuốc bắc bằng con “dao cầu” rất kỳ lạ. Dao nhưng không hề giống các con dao bình thường. Nó có bệ chắc chắn, có thanh sắt để kê thuốc lại có cái lưỡi to bản hình chữ nhật và một cái cán tay cầm ngỏng lên trên. Chắc chắn đám trẻ con bây giờ chẳng mấy đứa được trông thấy con dao như thế đâu. Ông, Bà hướng dẫn tôi cẩn thận để cầm thuốc khỏi bị cắt vào tay… Nhà Ông lại có cả một “cái thuyền tán” bằng sắt nặng chình chịch nhưng rất xinh nữa chứ. Tôi cứ ngồi ngắm cái thuyền xinh đẹp, cái đĩa lăn bằng chân cũng bằng sắt đẩy đi đẩy lại để nghiền thuốc thành bột và đôi chân trần sạch sẽ điều khiển cái đĩa sắt rất khéo để không lệch sang trái hay sang phải… Trông thì “dễ” nhưng trực tiếp làm thì không dễ tý nào khi làm cho cái đĩa sắt lăn đều ở chính giữa thuyền sắt.
Phải học mãi tôi mới biết làm nhưng chỉ một lúc là thấy chân mỏi rã rời rồi. Rồi Ông tôi lại có cả cái “câm tiểu ly” bé tý với cái cán cân bằng nhựa trắng có khắc các nốt đỏ đánh dấu trọng lượng thuốc và cái đĩa cân bằng đồng xinh xinh với cái quả cân cũng bằng miếng đồng hình chữ nhật xinh xinh nưã. Tôi “mê” cái cân tiểu ly lắm nhưng chỉ dám nhìn mà không dám mượn để chơi bán hàng vì Ông quý và giữ gìn nó cẩn thận lắm.
Vào nhà Ông được vui chơi, được quà cam thảo, táo tầu v.v … rất thích, nhưng còn một điều thích nữa là “xem Ông dạy học”. Ngày xưa Ông tôi dạy các “nho sinh” hẳn hoi nhưng giờ khi bốc thuốc chữa bệnh Ông chỉ dậy các con của mình ở nhà thôi. Tôi thấy Ông tôi dậy cậu Tích và các dì “luyện chữ” ghê lắm.
Lúc nào Ông cũng nhắc “nét chữ là nết người” và buộc các con phải viết chữ thật đều, thật chân phương và thật đẹp. Ông bắt viết đi viết lại rất nhiều lần đến khi Ông chấm được mới thôi. Ông rất hiền nhưng cũng rất nghiêm khắc khi dậy các con. Tôi nhớ có lần cậu Tích viết mãi mỏi tay bị mấy dòng nguệch ngoạc, Ông lấy thước kẻ đét cho vào bàn tay ba cái và bắt viết lại từ đầu. Thương cậu “một tý” nhưng tôi lại thấy “hả hê” vô cùng vì cậu hay trêu và gọi tôi là “Thành nhè” tôi tức lắm. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, cứ mặc cậu gọi thế thì đã sao thế mà hồi ấy tôi tức đỏ mặt đuổi cậu quanh cái bàn thuốc của Ông mà không bắt được cậu…
Ông Ngoại tôi làm nghề bốc thuốc chữa bệnh từ ngày chưa có tôi và ngày trước làm ở làng Mộ Trạch quê ngoại và cũng là quê nội của tôi. Ông nổi tiếng cả một vùng vì chữa được nhiều người khỏi bệnh. Tôi nghe kể Ông tôi rất giỏi chữa bệnh đậu mùa. Cái bệnh rất dễ chết, dễ lây thành dịch và nếu khỏi cũng để lại các nốt rỗ chằng chịt trên mặt người bệnh. Ngày xưa không có thuốc tây như bây giờ và cũng không có vắc – xin phòng bệnh cho trẻ em nên tỷ lệ trẻ em bị tử vong rất cao. Ông cũng nổi tiếng chữa khỏi bệnh sởi và bệnh kiết kỵ nữa… Cậu Vũ Xuân Tửu (tức Thu) và dì Vũ Thị Nội (tức Hà) là cháu gọi Ông tôi là bác hồi bé cũng bị đậu mùa. Ông đã tận tình cứu chữa nên cả hai đều khỏi bệnh và cũng không hề bị một nốt rỗ nào trên mặt. Cậu Tửu mừng lắm và đến tận bây giờ vẫn còn nhắc: “Nhờ có bác Phổ chữa cho khỏi đậu mùa nếu không đã tử vong hoặc có sống cũng rỗ đầy mặt rồi!”.
Cả trong và ngoài họ, đến cả một số tỉnh gần Hải Dương cũng tìm về chữa bệnh Ông Ngoại tôi. Mẹ tôi mấy lần kể về tôi nữa. Mẹ tôi kể hồi tôi còn bé tý có lần bị bệnh gì không biết mà cứ ăn vào thì bị nôn ra. Người gầy yếu xanh xao nhưng cái bụng thì căng chướng phình lên… Cùng thời gian ấy Ông tôi lại được mời vào chữa bệnh trong quê ngoại tôi tận Thanh Miện (ngày xưa đi đâu chỉ có đi bộ và không có điện thoại như bây giờ). Bệnh xá, bệnh viện phải lên tận tỉnh mới có và cũng không phải dễ mà vào được. Mẹ tôi bảo không hy vọng gì sống mà chỉ còn chờ “tắt thở là đưa vào áo quan” thôi. Hồi ấy đẻ nhiều nhưng nuôi được rất ít chỉ vì “bị bệnh là vô phương cứu chữa”. Mẹ tôi đẻ 7 con (4 trai, 3 gái) nhưng chỉ sống được 4 con thôi. (Tôi biết ba em tôi, 2 trai 1 gái, nếu sinh ra sau này thì chắc chắn không chết vì bệnh không phải là nghiêm trọng gì nhưng ngày xưa không có thuốc tốt như bây giờ).
May phúc cho tôi, đúng lúc chờ chết thì Ông tôi ở Thanh Miện về. Thấy tình trạng nguy kịch của tôi Ông vội xử trí ngay: Ông lấy miếng xà phòng vót nhọn bôi nước cho trơn rồi thông ngay vào hậu môn tôi, thế là chỉ sau vài phút tôi đã “tháo tỏng” ra ngoài cả một cái bụng to phình.
Rồi sau đó Ông cặm cụi chế thuốc uống cho tôi…Sau vài giờ thì tôi đã tỉnh lại, da không còn xanh tái và đã khóc được. Cả nhà mừng rỡ vô cùng, Ông cho uống thuốc vài ba ngày sau tôi đã hoàn toàn trở lại bình thường. Thế là Mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ nhất, còn Ông Ngoại sinh ra tôi lần thứ hai trên đời này!.
Kỷ niệm với Ông ngoại có rất nhiều. Hồi tôi học cấp 2 và cấp 3 tôi thấy Ông ngoài bốc thuốc chữa bệnh còn tích cực tham gia công tác của địa phương. Ông cũng là “cốt cán” trong phong trào các cụ “Bạch đầu quân”. Tôi đã được xem “sổ công tác” của Ông trong đó Ông ghi các công việc tham gia với Hội phụ lão địa phương nhưng tôi thích nhất là các bài thơ Ông tôi làm trong đó có bài “Bạch đầu quân” rất hay. Sau này tôi có hỏi để tìm lại quyển sổ đó của Ông nhưng “chiến tranh phá hoại” phải đi sơ tán rồi di chuyển nhiều lần nên đã thất lạc mất quyển sổ, mất cả cái tráp cổ Ông tôi đựng các quyển sách thuốc chữ Hán, chữ Nho … nữa.
Ai cũng khen Ông tôi “đẹp lão” thế mà sau thời gian bị “đi tù” vì bị quy sai là “Địa chủ cường hào” trong Cải cách ruộng đất. May mà Đảng đã sáng suốt, nhận ra sai lầm của mình và lập tức cho “sửa sai” ngay nên Ông tôi mới thoát khỏi án “tử hình” và được trở về với gia đình. Ngày mới đón Ông ra tù về nhà tôi, tôi không thể nào quên được hình ảnh của Ông gầy guộc chỉ còn da bọc xương, hai con ngươi trong hố mắt sâu hoắm thất thần, giọng nói thều thào khó khăn… Không những phải sống thiếu thốn trong tù mà thậm chí Ông tôi còn bị “ngã nước” (nay gọi là bệnh sốt rét) và suy kiệt nặng khi ở trong tù… Nhìn Ông tôi các con, cháu không ai cầm được nước mắt. Chúng tôi lại còn khóc hu hu nữa…Thật không ngờ một người có công với Cách mạng như Ông tôi mà lại bị xử oan khốc đến như vậy. Cậu Hựu tôi thì động viên mọi người: “Ông chưa bị tử hình là may rồi. Nếu họ “làm nhanh tí nữa” tử hình Ông thì giờ có sửa sai cũng đành chịu. Có nhiều gia đình còn có công với Cách mạng nhiều hơn nhưng đã không may bị tử hình còn đau khổ bao nhiêu. Nhà mình thế là còn “may” rồi!”. Khi viết lại những dòng này tôi không cầm lòng được vì thương Ông tôi vô cùng…
Kỷ niệm cuối cùng với Ông chính là ngày Ông tôi ra đi. Hồi ấy tôi đang học lớp 10 (cuối cấp phổ thông, bây giờ thì lớp 12 mới là cuối cấp). Hôm ấy là ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch (tức ngày 28 tháng 3 năm 1966) Ông nằm ở cái giường nhỏ, thấp ở gian nhà phía trong (gian ngoài là tiếp khách và bốc thuốc). Biết Ông ốm nặng nên tôi không về nhà và cứ ở riết trong nhà Ông. Tôi ngồi bên cạnh Ông và cứ chăm chú nhìn Ông xem Ông có cần gì không để chạy đi lấy. Bà Trẻ và các cậu, các dì cũng quanh ra quẩn vào theo dõi và chăm sóc Ông. Tôi thấy gương mặt Ông không còn hồng hào như mọi khi nữa.
Má cũng hơi bị hóp lại. Ông không kêu rên gì cả. Ông chỉ thỉnh thoảng lại lên cơn khó thở. Lúc khó thở nhiều Ông nấc lên và đưa tay như muốn móc cái gì vướng ở trong họng ra. Trông Ông thương vô cùng, tôi nghĩ chắc có cái cục gì đó làm tắc đường thở của Ông. Tôi rất muốn giúp Ông lấy cái cục tắc ấy ra nhưng không biết làm thế nào. Lúc ấy trong đầu tôi nghĩ: “Giá như sau này tôi đi ngành Y tôi sẽ chuyên tâm nghiên cứu cách lấy cái cục tắc làm người già không thể thở được là sẽ cứu được ngay thôi”. (sau này học ngành Y, làm bác sĩ thì tôi mới hiểu ra: tôi đã nhầm, không có “cục tắc” nào cả mà chính sự “suy hô hấp” của người già làm cho phế quản co thắt lại gây khó thở mà thôi.
Người ta cũng gọi hiện tượng này là “chết đuối trên cạn” vì chết do không thở được). Sau khi khó thở khoảng vài tiếng thì tôi thấy Ông tôi lấy tay quờ quạng, tôi tưởng Ông muốn cầm lấy vật gì nhưng không phải. Tay Ông tôi cứ đưa đi, đưa lại phía trên bụng, ngón tay chụm lại như bắt con chuồn chuồn…Lúc ấy tôi chợt nhớ đến câu đã được nghe người lớn nói: “tay bắt chuốn chuồn trước lúc chết” và tôi chợt nghĩ: “Thôi hỏng rồi tay Ông đã bắt chuồn chuồn rồi!” … và chỉ vài phút sau Ông hoàn toàn tắt thở. Ông Ngoại tôi là người đầu tiên trong đời tôi, tôi chứng kiến những giờ phút cuối cùng trước khi từ giã cõi trần. Sau này làm ngành Y tôi còn chứng kiến rất nhiều bệnh nhân chết, nhiều thương binh chết trong và sau ca mổ .v.v…Nhất là thời gian sau khi học xong bác sĩ quân y tôi được cử vào phục vụ chiến dịch đánh Trị Thiên Huế năm 1972, ngày ấy tôi thường xuyên chứng kiến cảnh thương binh hy sinh thảm khốc vô cùng …Nhưng những giờ phút cuối cùng của Ông Ngoại tôi thì vẫn khắc sâu vào tâm khảm tôi ngay từ khi tôi còn trên ghế nhà trường.
Tốt nghiệp Phổ thông có giấy gọi đi Đại học (vì hồi ấy học sinh tốt nghiệp Phổ thông rất hiếm nên không phải thi vào Đại học như bây giờ mà dựa vào điểm và lý lịch để chọn vào các trường Đại học). Song vì được sự giáo dục của gia đình và cũng do phong trào tình nguyện nhập ngũ để lên đường đi “chống Mỹ cứu nước” của thế hệ thanh niên tràn đầy nhiệt huyết nên tôi làm đơn xung phong đi bộ đội và xin được ra chiến trường chiến đấu. Sau một năm rèn luyện tại Quân chủng Phòng không Không quân (Sư đoàn 363) cấp trên quyết định cử tôi về học bác sĩ tại trường Đại học Quân y. Tôi đã phục vụ 20 năm trong quân đội sau đó chuyển ngành về công tác ở Bộ Y tế 20 năm nữa thì nghỉ hưu. “Số phận” đã run rủi đưa tôi đi theo nghề “thầy thuốc” của Ông Ngoại.
Và tôi cũng là người duy nhất trong số các con và cháu nội, ngoại “nối nghiệp” Ông. Tôi là bác sĩ đa khoa và làm về tây y nhưng tôi lại thích Đông y vì từ bé đã được gần Ông và xem Ông bắt mạch kê đơn rồi nên tôi cũng đã học 6 tháng về Đông y.
Trong cuộc sống như “có Ông chỉ đường” tôi đã dùng các bài thuốc đông y để chữa chạy cho nhiều người. Tôi đã dùng cây “dạ cẩm” nấu thành cao chữa bệnh dạ dày cho bộ đội. Dùng cây “lạc tiên” chữa bệnh suy ngược thần kinh. Dùng cây “dừa cạn” chữa tiểu đường. Dùng cây “húng dũi” chữa viêm lâu ngày “chỗ rách” cho phụ nữ sau sinh v.v… Không riêng gì bộ đội mà ngay cả người dân ở gần khu vực đóng quân tôi cũng luôn sẵn sàng chữa chạy, cấp cứu khi cần (các cháu bị đuối nước, dân bị tai nạn trong lao động, ngất, cảm đột ngột v.v…).
Có trường hợp (năm 1969) khi tôi đang học Đại học Quân y và sơ tán ở với dân, nửa đêm có người nhờ cấp cứu cho một chị phụ nữ bị băng huyết sau đẻ. Khi ấy bệnh viện ở xa, điều kiện thuốc men và truyền máu rất hạn chế… Nếu chuyển đi có thể chết trên đường nên tôi thấy bằng mọi giá phải cứu lấy tính mạng bà mẹ bằng cách cầm máu nhanh nhất vì băng huyết sau đẻ là “tai biến sản khoa” tử vong nhanh nhất. Điều kiện các gia đình dân ngày đó chỉ là nhà tranh vách đất đồ đạc đơn sơ, không có điện, không có tủ lạnh như bây giờ. Tôi đã lấy ngay nước giếng lạnh cho vào “bi đông” để chườm lên bụng sản phụ. Rồi kiếm cây nhọ nồi ngay trong vườn rửa sạch giã lấy nước, cạo lấy nhọ nồi ở đít nồi và kiếm ít tóc rối để đốt thành than làm vị thuốc. Khổ nỗi hỏi gia đình thì không kiếm được ít tóc rối nào.
Không cần cân nhắc tôi đã lấy kéo cắt ngay một đoạn tóc của tôi để đốt thành than làm vị thuốc. Thế mà bài thuốc đông y “học mót” được đã cứu sống sản phụ băng huyết trong đêm. Thức trắng với sản phụ cả đêm, gần sáng, máu đã cầm và thể trạng sản phụ đã khá lên, mấy hôm sau thì hoàn toàn bình thường. Gia đình xúc động đã đến tận đơn vị cảm ơn. Sau đó một đồng chí trong đơn vị tôi đã viết thành một vở kịch ngắn với tên là “Thang thuốc trong đêm”, vở kịch đã được giải trong Hội diễn toàn trường. Cuối năm, cùng với thành tích học tập tôi cũng được bầu và tặng huy hiệu “Chiến sĩ Thi đua”.
Qua quá trình cống hiến trong quân y cũng như ngoài dân y tôi đã được Nhà nước tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Tôi luôn nghĩ: dù là “cháu ngoại” nhưng truyền thống gia đình, phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc như Ông Ngoại tôi đã truyền lại cho tôi để tôi đã sống và làm việc với lời dậy “Lương y kiêm từ mẫu”.
Tôi cũng xin kính dâng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc ưu tú” cho Ông Ngoại, người đã làm khuôn mẫu, mực thước cho tôi noi theo.
Thưa Ông, ở trên trời Ông có vui lòng với cháu ngoại của Ông không ạ?!