Trong những năm đầu sau khi lên ngôi của vua Gia Long (1802-1820), cùng với nạn giặc giã, thú dữ hoành hành, các vấn nạn về hủ tục và mê tín dị đoan cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhà vua. Vừa lên ngôi, ông đã có các biện pháp ngăn chặn, trừng phạt các hành vi suy đồi văn hóa đã tồn tại từ rất lâu. Sách Khâm Định Đại Nam Hội điển chép: năm Gia Long thứ 3 (1804):
«Khai hóa cho dân, làm nên tục tốt, là việc đầu tiên của vương chính. Sau này giáo hóa bỏ nát, chính sách suy kém, trong các làng không có phong tục tốt, theo nhau lâu ngày, đắm đuối càng quá lắm. Phàm việc thờ phụng Thần, Phật, phần nhiều có kẻ quá mức, không có lễ pháp, kẻ hào mục nhờ đó để đục khoét, dân cùng khổ phải lưu tán, là do ở đó. Ta nay châm chước, sửa lại những thái quá cho được trung bình, làm định lệ chốn hương thôn, muốn bỏ hết mối tệ, cùng noi đến đạo cả vậy”. (Khâm định…,T11, sđd. tr. 376).
Với mục đích gây dựng lại nền giáo hóa, sửa sang phong tục trong dân chúng, định lại lễ pháp thờ phụng thần linh cho dân noi đến đạo thánh hiền, nhà vua rất quan tâm tới sinh hoạt tôn giáo trong dân, trong đó quan trọng nhất là cấm các hình thức cúng bái tà thuật, đồng cốt…Cụ thể là :
- Người vờ có tà thuật tuyên truyền lừa dối khiến người khác sinh biến loạn trong lòng, vẽ bùa, viết khoán, mượn pháp thuật để sinh nhai, chuộc mạng, chiêu hồn, chữa bệnh bằng ma thuật.
- Người phụ đồng ấp bóng, mượn lời nói của thần, chữa bệnh không cần thuốc.
- Người có thuật làm người bằng giấy, làm ngựa bằng cỏ, ném gạch đá vào nhà, đốt cháy nhà cửa, lấy bùa làm thuốc, chữa bệnh bằng pháp thuật.
- Những tư gia cúng trời, dâng sao (đốt hương ban đêm, thả đèn trời, đốt 7 ngọn đèn).
- Các đền miếu tổ chức lễ nhạc linh đình, mời con hát xướng về tấu nhạc ăn chơi.
- Các thầy cúng, đồng cốt thắp hương khói tập hợp, mê muội dân chúng theo tà thần.
- Những người làm ra sách sấm vĩ, ghi chép kinh kệ, tuyên truyền xằng bậy. (Khâm Định…, T11, sđd, tr. 25-26).
Đối với các hủ tục đang lan tràn trong dân, cũng trong năm đó (1804), vua đã ban Chiếu nêu ra hiện trạng và các biện pháp để toàn dân thực thi. Sách Đại Nam Thực Lục chép:
« Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước. Gần đây giáo dục trễ nải, chính trị suy đồi, làng không tục hay, noi theo đã lâu, đắm chìm quá đỗi. Phàm tiết ăn uống, lễ cưới xin, việc ma chay thờ thần Phật, nhiều việc quá trớn, lấn lễ; bọn hào mục nhân đó mà đục khoét, người cùng dân đến nỗi dạt xiêu, thực là bởi cớ ấy. Nay tham chước thêm bớt, xén chỗ quá đáng, để chỗ vừa phải, lập định lệ cho hương đảng, là muốn sửa đổi nguồn tệ để cùng về đường chính vậy. (Thực Lục T1, sđd, tr. 583).
Nội dung bản dụ này đề cập đến 5 nội dung cơ bản về phong tục của người Việt; đó là:
1- Về tiết ăn uống
2- Về lễ vui mừng.
3- Về lễ giá thú.
4- Về việc tang lễ.
5- Việc thờ thần thờ Phật.
Xin được tóm lược một phần các nội dung trên:
1- Về tiết ăn uống: Nhà vua cấm tiệt việc hội hè bày ăn uống rượu thịt lãng phí trong dân:
“Gần đây có kẻ mượn cớ việc làng, họp nhau chè chén, tiêu phí một bữa ít là 3,4 quan, nhiều là hơn 10 quan, nếu đóng góp chưa kịp thì bắt xã trưởng, thôn trưởng vay nợ cầm áo mà ứng biện để đến kỳ thu thuế thì vượt lệ bội thu mà bù vào phí trước, trên thì quy oán cho quan, dưới thì bóc lột của dân nghèo.
Từ nay về sau, xã dân như có việc công đáng phải họp bàn thì chỉ dùng trầu cau làm lễ, rượu thịt đều cấm…” (Thực Lục, sđd, tr. 585).
2- Về lễ vui mừng: Chỉ dụ đưa ra các biện pháp để thực hiện cho phù hợp với đời sống và với tục làng:
“Khi có người dự trúng khoa trường, hay được ban sắc mệnh, người làng vin tục lệ đòi thết đãi, cỗ bàn ăn uống mấy phen, sau trước theo nhau, gọi là nợ miệng. Đền xong khoán lệ của làng thì mất hết gia tài, làm ăn đến phải lụn bại.
Từ nay về sau, các lễ vui mừng, việc lớn cho dùng xôi lơn, không có thì nộp thay 3 quan tiền. Việc nhỏ thì dùng xôi gà, không có thì nộp thay 1 quan 6 tiền”.
3- Về lễ giá thú:
“Phong hóa loài người bắt đầu gây nên từ đó. Sách Kinh nói : “Hôn lễ là đầu mối của đạo người”. Văn Trung Tử nói : “Giá thú mà bàn của cải là thói của mọi rợ. Đại phàm lấy vợ chồng, chẳng qua cốt được cặp đôi mà thôi, còn lễ cưới thì nên châm chước trong sáu lễ, lượng tùy nhà có hay không, chứ không được viết khế cố ruộng. Hương trưởng thu tiền cheo trong lễ cưới thì người giàu 1 quan 2 tiền; người vừa thì 6 tiền; người nghèo 3 tiền”.
4- Về việc tang tế:
“Đó là đạo thường của người làm con, nhớ gốc tìm về nguồn, ai cũng một lòng như thế, nên phải thương giúp nhau. Gần đây dân làng có người đặt ra khoán lệ quá nặng, nhà người có tang ăn uống kể đến mấy lần, cỗ bàn phải có nhiều món, danh là báo hiếu, thực là nợ miệng, theo nhau thành thói, người giàu thì lấn lễ vượt phận để phô mẽ với người ta, người nghèo thì vay nợ đợ mình đến nỗi thất sở, việc tang tế thương nhau lại như thế sao?
Từ nay dân làng có tang thì làng xóm giúp nhau, nên nghĩ rằng: “một nhà có việc trăm nhà bận”, đừng bắt “một người chết mà muôn người say”. Kẻ giàu thì giúp của, kẻ túng thì giúp sức, kẻ biết lẽ thì trông đỡ việc tang, hết thảy theo như sách Gia lễ của Chu Văn Công, khiến kẻ giàu biết có phận hạn, không quá xa hoa; kẻ nghèo tùy lực có không, không gắng để theo tục; còn cỗ bàn ăn uống nhiều ít thì tùy ở nhà tang, không được vin lệ đòi hỏi”.
5- Việc thờ thần Phật:
“Đến như việc thờ Phật thì sách Truyện nói : “Say mê dị đoan chỉ hại mà thôi”. Lại nói : “Có tội với trời thì cầu đảo vào đâu được’. Người có thờ Phật là cốt để phúc báo. Sách nhà Phật nói : “Có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ”. Lại nói : “Thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hằng ngày ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Như thế người có duyên cần gì phải Phật độ, mà người không duyên Phật độ làm sao được ? Thử xem những tổ đã thành Phật như Mục Liên mà cũng không độ được mẹ, chuộng Phật giáo như Tiêu Diễn (tức Lương Vũ đế) mà cũng không giữ được thân, huống chi những bọn bất trung bất hiếu, bỏ cả cha mẹ là Phật sinh thành, mà đi cầu Phật vô hình ngoài muôn dặm để mong phúc may chưa đến, có lẽ ấy được chăng ?
Gần đây, có kẻ sùng phụng đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn mở hội, phí tổn về cúng phật cúng sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viễn vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ.
Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư sãi có người chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số. Lại đời sống của dân đều có định mệnh, tai họa không thể giải được, phúc không thể cầu được, cái thuật cầu đảo giải trừ đều vô ích cả” (Thực Lục, sđd, tr. 587).
Đối với tục cầu đảo thần linh nhà vua dụ:
“Nay thói thờ quỷ mù quáng đã sâu, người ta không hay giữ yên tính mệnh, động đến là xin phù chú, kêu đồng bóng, lập đàn trường, khua chiêng trống, như chiều gió lướt, tập tục theo nhau làm cho mê hoặc. Kẻ có tà thuật đều giả thác ảo huyền, làm rối tai mắt. Thổi bùa vẽ khoán, tạ pháp án để sinh nhai; chuộc mệnh gọi hồn, xem nhà bệnh là hàng quý. Thậm chí phụ đồng thiếp tính, bịa đặt lời thần, cấm thuốc nhịn ăn, làm cho người bệnh không thể chữa được nữa.
Lại còn ngựa rơm giày giấy, đập cửa đốt nhà, cùng với mọi thứ bùa thuốc mê hoặc, khiến cho vợ cả ghét chồng, chồng say vợ lẽ, đã dụng thuật để nhiều người lại gõ cửa để xin chữa, lừa dối trăm chiều, thực làm hại lớn cho dân chúng.
Từ nay dân gian nếu có đau ốm chỉ nên cầu thuốc để trị, cẩn thận sự đi đứng, nhất thiết chớ nên tin nghe bọn yêu tà mà cầu cúng xằng xiên. Những bọn thầy pháp cô đồng cũng không được sung phụng hương lửa để nhương tai trừ họa. Nếu quen giữ thói cũ, ắt bị nghiêm trị.”(Thực Lục, sđd, tr. 587).
Sau khi ban dụ, nhà vua đã đưa ra những biện pháp để trừng phạt kẻ phạm tội rất mạnh mẽ. Đó là những hình thức xử phạt rất nghiêm khắc và quyết tâm trong việc dẹp trừ hủ tục và tệ mê tín dị đoan trong nhân dân.
Phải nói rằng, trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương sau nhiều năm chiến tranh, việc vua Gia Long đã có những quy định, biện pháp để chấn chỉnh phong hóa là điều thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức của người lãnh đạo. Để dân chúng quá sa đà vào những hủ tục thì đời sống văn hóa của người Việt trở nên lạc hậu và trái với truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc...
(Tôn Thất Thọ)
Tài liệu tham khảo:
- Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 1993.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục T1, Nxb Giáo Dục, 2007.