Gia phả Việt Nam có từ khi nào?

Trung Quốc có Gia phả từ khi xuất hiện sách “Thế bản”  thời nhà Chu (1111 – 256 trước CN). Châu Âu, thế kỷ thứ V mới bắt đầu thời kỳ phôi thai của gia phả.

Như vậy Gia phả Việt Nam có sau Gia phả Trung Quốc là hơn 1000 năm; có trước gia phả Châu Âu là 200 năm. Các nhà làm Gia phả Việt Nam đang đặt vấn đề: trước thời Lý, gia phả Việt Nam đã có, nhất là khi ta có thể mượn chữ Hán để ghi, song tại sao hiện nay ta không có bộ Gia phả nào cụ thể để làm chứng?


Các bản sắc phong thời xưa cũng là nguồn tư liệu tham khảo đáng tin cậy

Theo sách “Lịch triều Hiến chương lọai chí” của Phan Huy Chú, nước ta bắt đầu có Gia phả từ thời Lý. Cụ thể là có từ thời Lý Thái Tổ (1026) với bộ Hoàng triều ngọc điệp. Trong nhân dân cũng có các hình thức Gia phả họ “ghi” các hệ thống mồ mả ở những đồng mả nông thôn, khu mả họ tộc với các mộ bia hoặc bài vị được đặt trong từ đường, cộng với những ký ức của những người trong họ tộc. Gia phả ký ức tuy có độ tin cậy, nhưng cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết.

Trong các thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lúc đất nước chia đôi 1954 - 1975, hay trong các cuộc di dân mở cõi, các dòng họ đã bị phân ly, phân tán mạnh mẽ hoặc bị chia rẽ, lạc mất cội rễ, nguồn gốc. Nguyên nhân chính là không giữ được hoặc không có Gia phả.

Ở miền Bắc, sau 1954, Gia phả càng bị quên lãng, vì cho đó là sản phẩm của chế độ phong kiến. Ở miền Nam, chế độ cũ không cấm, nhưng do chiến tranh, không ai dám khai có họ hàng, thân thích với ai, di vật gia phả cũng không có điều kiện để phát triển. Chỉ có một vài vị có quan tâm, như cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, đã soạn sách Nghiên cứu và Thực hành Gia phả và đã được in ấn, phát hành vào cuối năm 1975. Trong chiến tranh, vượt núi rừng, có người vẫn mang gia phả dòng họ theo bên mình.

Sau năm 1975, thống nhất đất nước, khuynh hướng các chi họ đi truy tìm, kết nối, nhận họ đã thành phổ biến. Đi đôi việc các dòng tộc vận động hợp nhất, việc phục hồi ngành Gia phả cũng được tiến hành trước đó và diễn ra cho đến nay. Năm 1992, công việc nghiên cứu và thực hành gia phả được xác định, chỉ ra tôn chỉ, mục đích, phương pháp dựng phả, thực hiện bản Gia phả tiêu biểu với các quan điểm mới, tiến bộ, phù hợp với các chi họ thiếu phả, cùng các chủ đề nghiên cứu tập trung dòng họ một tập hợp người cùng huyết thống sản sinh trong quá trình di truyền và hôn nhân cũng được đề ra.

Hiện nay, việc phục hồi ngành Gia phả Việt Nam, ta có những điều kiện thuận lợi. Các dòng họ đã kết nối lại với nhau từ bắc chí nam. Các tổ chức chuyên môn về gia phả đã hình thành, như chương trình Nghiên cứu gia phả Việt Nam thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển ở Hà Nội, CLB Unesco các dòng họ và Trung tâm nghiên cứu - thực hành gia phả tại TP.HCM, thuộc Hội Khoa học Lịch sử thành phố…

Công việc truy tìm nguyên tổ, viễn tổ, chứng minh sự thay đổi họ, truy nhận người cùng họ đã lạc nhau trong vài trăm năm qua, chứng minh mối quan hệ cùng họ nhưng không thuộc thân tộc… là vấn đề hóc búa. Sự sinh sản bằng ống nghiệm cũng là vấn nạn cho sự nghiệp dựng phả. Một bộ phả tốt cần hiểu rõ về sử học, di truyền học, về hôn nhân gia đình… cũng chính nhờ vào gia phả gốc này mà các nhóm nghiên cứu - thực hành gia phả đã giúp cho không ít những dòng họ tìm về nguyên quán họ truy tìm được nguyên tổ của mình.

Lê Hoàng Dũng

Mới hơn Cũ hơn