Nhũ danh và Khuê danh

 Người miền Nam xưa rất tôn trọng phụ nữ, luôn dành cho họ sự lịch thiệp tao nhã nhất có thể. Thậm chí đến tên họ cũng hiếm khi nói ra trừ phi bắt buộc phải như vậy. 

Khi người phụ nữ lập gia thất với một người đàn ông thì từ đó về sau, mọi người đều gọi theo tên họ hoặc chức vụ của người chồng. Bạn bè thân hữu dù quen biết gia đình đó lâu năm thì cũng khó có thể biết tên thật của người vợ là gì. 

- Ông bà Phan Văn A. 

- Ông bà Tỉnh trưởng Võ Văn B. 

- Anh chị Thầu khoán Đặng Văn C. 

- Ông bà D, Anh chị E.. 

Giả sử ông chồng là Bác sĩ, người vợ có làm công việc riêng gì đi nữa thì cũng chỉ nói "Ông bà Bác sĩ Lâm Văn S", không đề cập đến chức vụ tên họ của người vợ. 

nhũ danh khuê danh

Tổ chức một buổi Lễ, người ta chỉ nói: "Trân trọng kính mời Tổng thống Phu nhân cắt băng khánh thành..." 

"Kính mời Quận trưởng Phu nhân trình bày đôi lời với quý chức sắc thân hào nhân sĩ sở tại..." 

Trong những sự kiện họp mặt đông người dù là Lễ cưới thì cũng thế, không bao giờ nêu tên thân mẫu của Cô dâu Chú rể mà chỉ giới thiệu nhà gái nhà trai là "Ông bà Huỳnh Văn N, Ông bà Ngô Văn M..." mà thôi. 

Khi một người sang nhà hàng xóm hỏi: "Chị T. ơi, còn đường không? Cho tôi mượn một chút..." thì phải hiểu T. là tên người chồng. 

Cha của người viết bài tên C. Lúc nào cũng nghe những người bạn của Cha tôi gọi Mẹ tôi là chị C. 

Trường hợp bất khả kháng thì người ta phải nói như vầy: "Trung tá Z vừa hy sinh đền nợ nước, tang lễ được cử hành vào ngày...

Khấp báo: Phu nhân Trung tá Z, nhũ danh Trần Thị Y và các con..." 

Hoặc khi muốn nói về một góa phụ thì phải là: "Chúng tôi hân hạnh đón nhận sự hiện diện của Bà Lê Văn G, nhũ danh Bùi Thị H..."  

Tên người chồng dù quá cố cũng phải được xướng lên trước tiên, vì hoàn cảnh như vậy nên buộc phải đề cập đến tên họ của Bà H. 

Chữ Nhũ danh có nghĩa là tên của người thuộc nữ giới được đặt ra từ khi lọt lòng, dân dã gọi là tên cúng cơm. 

Ngoài ra còn có một từ nữa là Khuê danh, dùng với ý đề cao sự đoan chính của một người thuộc phái đẹp. 

Chữ Khuê lấy từ cái gốc trong chữ Khuê phòng tức phòng riêng của thiếu nữ, phụ nữ. Dùng chữ này hàm ý đây là người đoan trang hiền thục, xứng danh tam tòng tứ đức. 

"Trung tướng Phu nhân Hoàng Văn P. có khuê danh là Vũ Thị Q, xuất thân danh gia vọng tộc tại Rạch Giá..." 

Còn một chữ nữa là Quý danh nhưng như trên đã nói, người ta không đề cập không hỏi tên họ của phụ nữ nếu không thật sự cần thiết nên chữ này hầu như chỉ dùng cho nam giới: "Xin phép cho tôi được hỏi quý danh của ông (của anh) là chi?" 

Người miền Nam xưa rất cẩn trọng trong từng phát ngôn, điều gì hợp lý và lịch sự trang nhã khiêm cung nhất thì mới nói, không phải thoải mái mà nói bất cần khuôn phép. 

Bây giờ thì mọi người dễ dàng biết rõ tên họ của bất cứ người phụ nữ nào vì nề nếp xưa đã nhạt phai, ngôn ngữ xưa đã dần tàn lụi...

ST

dịch vụ ghi chép gia phả


Mới hơn Cũ hơn